Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tác phẩm “Giảm túi ni lông” giành giải Nhất cuộc thi viết "Mỗi ngày một chuyện" lần thứ sáu

Bảo Hân| 30/08/2019 16:06

(HNMO) - Chiều 30-8, Báo Hànộimới tổ chức tổng kết, trao giải cho các tác giả đoạt giải cuộc thi viết “Mỗi ngày một chuyện” lần thứ sáu.

Dự lễ tổng kết, trao giải có bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; bà Trịnh Thị Lan, Trưởng phòng Báo chí xuất bản - Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; cùng đại diện các nhà tài trợ, các tác giả đoạt giải.

Lựa chọn đăng tải 278 bài từ gần 600 bài dự thi

Tổng kết cuộc thi lần thứ sáu (bài dự thi đăng trên các số báo ra từ ngày 8-8-2018 đến 8-8-2019), ông Lê Hoàng Anh, Phó Tổng biên tập Báo Hànộimới cho biết, Ban tổ chức (BTC) đã tiếp nhận gần 600 bài của hơn 200 tác giả là những người viết chuyên và không chuyên tại Thủ đô và từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài các nhà báo chuyên nghiệp, còn có cán bộ đang công tác trong lực lượng vũ trang, cán bộ cơ sở, cán bộ hưu trí, sinh viên...

Từ gần 600 bài dự thi, BTC đã lựa chọn, biên tập đăng tải 278 bài. Với lối viết ngắn gọn, dễ hiểu, bảo đảm tính chân thực, kịp thời và thiết thực với đời sống, các tác phẩm đã phản ánh muôn mặt đời sống sinh hoạt của người dân và công tác quản lý, điều hành của chính quyền, cơ quan chức năng các cấp...

“Điểm nổi bật nhất trong cuộc thi viết "Mỗi ngày một chuyện" lần thứ sáu là có nhiều bài viết có tính phát hiện, biểu dương những tấm gương "Người tốt, việc tốt" (chiếm gần 50% số bài dự thi đã được đăng). Đó là những con người với những việc làm giản dị, đời thường nhưng đã có tác động tích cực tới đời sống xã hội”, ông Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, BTC cũng nhận được nhiều bài viết phát hiện, phê phán những vi phạm về trật tự đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông hay những bất cập trong công tác quản lý, công tác tiếp công dân, cải cách thủ tục hành chính... ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập Báo Hànộimới tặng hoa cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng cuộc thi. 

Với tinh thần làm việc khách quan, dân chủ, công bằng, Hội đồng chung khảo đã cùng BTC thống nhất trao 1 giải Nhất cho tác phẩm “Giảm túi ni lông” của tác giả Phạm Xưởng; 2 giải Nhì cho tác phẩm: “Tư tưởng tiến bộ của bà Ba” của tác giả Văn Thành và “Việc tự nguyện đáng quý” của tác giả Phạm Mùi; 3 giải Ba cho các tác phẩm: “Nghĩa tình đồng đội”, “Quá tam ba bận”, “Chuyện nhỏ đáng nêu gương”; 15 giải Khuyến khích.

Bất ngờ và xúc động vì tác phẩm “Giảm túi ni lông” được trao giải thưởng cao nhất của cuộc thi, tác giả Phạm Xưởng (quận Long Biên, TP Hà Nội) đã chia sẻ lại câu chuyện mà ông phản ánh. Đó là câu chuyện về cô giáo Loan (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), khi đi chợ đã dùng các hộp đựng có đánh dấu bằng các chữ cái như C là để đựng đồ chín, S dùng đựng đồ tươi sống, R là đựng rau... Việc làm này của cô đã được nhiều người ủng hộ và làm theo. Ông Xưởng cho biết thêm, hiện nay, tại khu vực ông đang sống, nhiều người dân đã bắt đầu "nói không" với túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần. "Đây là việc làm nhỏ, dễ thực hiện, nếu được lan tỏa sẽ giúp môi trường sống sạch đẹp hơn", ông Xưởng nói.

Ngoài ra, BTC cũng đã trao tặng giải "Tác giả có nhiều bài được đăng nhất" cho tác giả Ngô Duy Châu với 69 bài; giải cho Công ty TNHH Amway Việt Nam, đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi với 50 bài. Giải dành cho người cao tuổi nhất được trao cho cụ Đoàn Trần Khoát, 93 tuổi. 

Giải Nhất của cuộc thi đã được trao cho tác phẩm “Giảm túi ni lông” của tác giả Phạm Xưởng

Đồng hành cùng cuộc thi viết “Mỗi ngày một chuyện” lần thứ sáu có các nhà tài trợ: Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty CP Quảng Tây, Tập đoàn Hải Phát, Công ty CP Thế giới di động, Công ty Dược phẩm Nhất Việt, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, Tập đoàn Hoàng Oanh, UBND huyện Quốc Oai, Trung tâm Kinh Doanh VNPT Hà Nội.

Thay mặt các nhà tài trợ, ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Amway Việt Nam bày tỏ niềm vui khi cuộc thi viết “Mỗi ngày một chuyện” lần thứ sáu đã thành công tốt đẹp. Đặc biệt, 278 tác phẩm dự thi được chọn lựa để đăng tải đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc, mang ý nghĩa xã hội rộng lớn, giúp lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đồng thời phê phán những việc làm chưa tốt trong cuộc sống. 

"Cuộc thi viết lần thứ bảy tiếp tục diễn ra sẽ đánh dấu lần thứ ba liên tiếp Amway đồng hành cùng Báo Hànộimới, với mong muốn thông qua “Mỗi ngày một chuyện” sẽ giúp cuộc sống tốt đẹp hơn", ông Nguyễn Phương Sơn nói. 

“Mỗi ngày một chuyện là chuyên mục hết sức thú vị của Báo Hànộimới. Là đảng viên 75 năm tuổi Đảng, mỗi ngày tôi đều có báo biếu để theo dõi, đón đọc đều đặn. Đây là chuyên mục dễ đọc, mang ý nghĩa “vừa xây - vừa chống”, độc đáo mà không báo nào có", ông Đoàn Trần Khoát chia sẻ.

Phát động cuộc thi viết "Mỗi ngày một chuyện" lần thứ bảy

Từ sự thành công của cuộc thi viết lần thứ sáu, Báo Hànộimới tiếp tục phát động cuộc thi viết lần thứ bảy.

Với cuộc thi lần thứ bảy, ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập Báo Hànộimới trân trọng đề nghị các tác giả tiếp tục tập trung tuyên truyền tốt việc thực hiện chủ đề công tác năm 2019 của thành phố Hà Nội là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; gắn với cảm nhận của bản thân về quá trình xây dựng, quản lý đô thị, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. 

Đề tài của các bài dự cuộc thi "Mỗi ngày một chuyện" lần thứ bảy là những hành vi, việc làm, sự việc xảy ra thường ngày nhưng thu hút sự quan tâm của người dân, ảnh hưởng đến đời sống xã hội...

Đồng thời, các tác giả tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện hai quy tắc ứng xử được UBND thành phố Hà Nội ban hành năm 2017 là: "Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố" và "Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội", gắn với phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở…  

Bên cạnh những bài viết biểu dương các hành động đẹp, việc làm có ý nghĩa, BTC cũng mong nhận được nhiều bài viết đấu tranh, phê phán trực diện, phát hiện những sai phạm của các tổ chức, cá nhân, đề xuất những giải pháp khắc phục; những việc làm chưa hay, hành động ứng xử chưa đẹp, hành vi lãng phí…

Đặc biệt, BTC mong muốn nhận thêm những bài viết phản ánh muôn mặt đời sống, nhất là ở khu vực ngoại thành, các vùng quê..., bởi đây là mảng đề tài còn ít được đề cập trong cuộc thi viết lần thứ sáu.

Thể lệ cuộc thi viết “Mỗi ngày một chuyện” trên Báo Hànộimới hằng ngày lần thứ bảy năm 2019

I. ĐỐI TƯỢNG DỰ THI:

Người viết chuyên và không chuyên trên địa bàn Hà Nội và cả nước đều có thể gửi tác phẩm dự thi với số lượng không hạn chế.

Thành viên Ban Giám khảo, Ban tổ chức không tham dự cuộc thi.

II. QUY CÁCH BÀI DỰ THI:

1. Đề tài của bài dự thi là những hành vi, việc làm, sự việc xảy ra thường ngày trong đời sống xã hội. Những hành vi, việc làm, sự việc đó có thể là tốt (hoặc chưa tốt) nhưng thu hút sự quan tâm của người dân và bạn đọc, ảnh hưởng đến đời sống xã hội ở các chiều cạnh khác nhau.

2. Thể loại của tác phẩm là tiểu phẩm.

3. Tác phẩm dự thi phải ngắn gọn, dễ hiểu, bảo đảm tính chân thực, kịp thời và thiết thực với đời sống (đúng, hay, kịp thời, thiết thực).

4. Mỗi tác phẩm không quá 400 chữ, khuyến khích tác phẩm có ảnh, thơ.

5. Tác phẩm dự thi, bên cạnh bút danh “Người Xây Dựng”, phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử (nếu có) của tác giả.

6. Tác phẩm dự thi phải được đánh máy hoặc viết tay sạch sẽ trên một mặt giấy, ngoài phong bì và đầu bài ghi rõ: Bài tham dự Cuộc thi viết “Mỗi ngày một chuyện” lần thứ 7 năm 2019.

7. Ban tổ chức không trả lại bản tác phẩm dự thi (bản thảo).

III. QUY ĐỊNH KHÁC:

1. Ban tổ chức có quyền đăng tải thông tin, hình ảnh tham gia cuộc thi trên Báo Hànộimới (báo in và báo điện tử) và sử dụng cho các mục đích khác (triển lãm, in sách…).

2. Những tác phẩm được chọn để sử dụng trên Báo Hànộimới, tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

3. Ban tổ chức có quyền thu hồi giải thưởng và hủy bỏ kết quả đối với những tác phẩm vi phạm thể lệ cuộc thi.

4. Ban tổ chức và đơn vị tài trợ có quyền nêu tên, hình ảnh tác giả đoạt giải trong cuộc thi cho mục đích tuyên truyền hoặc quảng cáo, tiếp thị của chương trình.

5. Trường hợp Ban tổ chức khai thác các tác phẩm vào mục đích thương mại, sẽ thanh toán tiền tác quyền cho tác giả theo giá trị khai thác của tác phẩm.

6. Nếu có vấn đề phát sinh trước, trong hoặc sau cuộc thi mà trái với quy định đang có hoặc do sự điều chỉnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì quyết định của Ban tổ chức sẽ là quyết định cuối cùng, các bên buộc tuân thủ mà không có quyền khiếu nại.

IV. PHƯƠNG THỨC GỬI BÀI DỰ THI:

Tác phẩm dự thi gửi về Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (ngoài phong bì ghi rõ Bài tham dự Cuộc thi viết “Mỗi ngày một chuyện” lần thứ 7) hoặc gửi theo thư điện tử: thubandoc@hanoimoi.com.vn.

V. THỜI GIAN NHẬN BÀI DỰ THI:

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ ngày 30-8-2019 đến hết ngày 30-8-2020 (tính theo thời gian hiển thị trên hộp thư điện tử hoặc theo dấu bưu điện với các tác giả gửi tác phẩm dự thi theo đường bưu điện).

VI. GIẢI THƯỞNG:

- Giải Nhất: 01 giải (trị giá 5 triệu đồng).
- Giải Nhì: 02 giải (mỗi giải trị giá 3 triệu đồng).
- Giải Ba: 03 giải (mỗi giải trị giá 2 triệu đồng).
- Giải Khuyến khích: 15 giải (mỗi giải trị giá 1 triệu đồng).
- Giải dành cho đơn vị có nhiều bài dự thi nhất: 01 giải (trị giá 2 triệu đồng).
- Giải dành cho tác giả có nhiều tác phẩm dự thi nhất đã được đăng báo: 01 giải (trị giá 1 triệu đồng).
- Giải dành cho tác giả cao tuổi nhất (từ 90 tuổi trở lên): 01 giải (trị giá 1 triệu đồng).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tác phẩm “Giảm túi ni lông” giành giải Nhất cuộc thi viết "Mỗi ngày một chuyện" lần thứ sáu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.