(HNM) - Hiện nay, nhiều người có quan niệm để tránh bị cận thị nặng hơn nên đeo kính độ cận thấp hơn với chỉ số thực tế. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm khiến mắt có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt. Người bị cận thị sẽ gặp khó khăn trong việc nhìn và ghi nhận các chi tiết hình ảnh ở xa. Đây là một tật khúc xạ thường gặp nhất (đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, sinh viên), khiến người bị cận thị phải đeo kính cận. Kính cận thị là một thấu kính phân kỳ, giúp điều chỉnh hình ảnh hội tụ đúng trên võng mạc của người cận thị.
Theo các chuyên gia y tế, quan niệm để tránh bị cận thị nặng hơn nên đeo kính thấp hơn với độ cận thực tế là không đúng. Sai lầm này sẽ dẫn tới tình trạng mắt vẫn phải điều tiết, đẩy nhanh việc tăng số kính của bệnh nhân. Việc khám và quyết định ra đơn kính cho một bệnh nhân là rất quan trọng, đặc biệt ở những trẻ nhỏ. Đeo kính cận sai số còn có thể khiến những bệnh nhân có độ khúc xạ cao bị giảm hoặc mất thị lực.
Nếu người bị cận thị đã vào độ tuổi trung niên hay người thường xuyên làm các công việc không đòi hỏi tầm nhìn xa như làm việc trong văn phòng thì không cần phải đeo kính suốt cả ngày. Cụ thể, nếu cận từ 1 độ đến 2 độ thì chỉ nên dùng kính khi nhìn xa, không nên đeo kính thường xuyên suốt ngày, vì như vậy sẽ khiến mắt giảm khả năng điều tiết mỗi khi nhìn gần, lâu ngày mắt sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào kính. Với những người phải làm việc nhiều cần phải cho mắt thư giãn, nghỉ ngơi xen kẽ trong thời gian làm việc: Mỗi 30 phút nên cho mắt nghỉ ngơi khoảng 1-2 phút.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.