(HNM) - Trong khi thế giới đang tìm những giải pháp tốt nhất để giảm lượng khí thải và giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2°C, thì nắng nóng, hạn hán, băng giá, lũ lụt… đã tạo ra “cơn ác mộng” cho người nông dân ở nhiều quốc gia. Những mối đe dọa từ biến đổi khí hậu đã và đang gây thiệt hại to lớn cho ngành Nông nghiệp, đồng thời gián tiếp khiến giá lương thực liên tục tăng cao trong thời gian qua.
Theo Kostas Mastoras, Chủ tịch kiêm người sáng lập Titan Foods ở quận Queens, New York (Mỹ) giá thực phẩm "leo thang" khiến lạm phát tăng cao hơn trong 18 tháng qua chủ yếu là do vấn đề khí hậu. Ông giải thích: "Cháy rừng hoành hành, hạn hán hay băng giá tàn khốc cho thấy biến đổi khí hậu đang gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan".
Các nhà nghiên cứu tại Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển) cho biết, biến đổi khí hậu sẽ “tác động đáng kể đến sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu” và sẽ làm giảm năng suất cây trồng ở một số khu vực. Trong khi đó, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc nhận định, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của hạn hán, vốn trước đây có thể chỉ xảy ra một lần trong một thập kỷ, nay đã xảy ra thường xuyên hơn và chiếm 70% diện tích khắp thế giới.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, giá lương thực toàn cầu đã tăng 31% trong năm 2021 và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu hụt nguồn cung. Giá lương thực bình quân (sau khi điều chỉnh lạm phát) trong 11 tháng năm 2021 cao nhất trong 46 năm qua. Các báo cáo thương mại khác nhau cho thấy, sản lượng lúa mì vụ xuân ở Mỹ đã giảm 40% do hạn hán và nắng nóng. Yannis Papailias, Giám đốc thương mại Nhà máy xay Halkidiki Flour Mills (Hy Lạp) cho biết: "Khi nguồn cung lúa mì thắt chặt cùng với chi phí vận chuyển cao hơn thì kết quả là giá lúa mì đến các nhà máy bột mì và cuối cùng là đến tay người tiêu dùng cao hơn. Từ mùa thu hoạch năm 2020 đến thời kỳ thu hoạch năm 2021, giá lúa mì mềm hoặc lúa mì mini tăng từ khoảng 220 USD lên 350 USD/tấn. Trong khi đó, giá lúa mì cứng hoặc mì ống tăng từ khoảng 250 USD lên 550 USD/tấn". Nga - nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, ước tính sẽ thu hoạch ít hơn do thời tiết không thuận lợi. Quốc gia này đã áp thuế với xuất khẩu lúa mì để bảo đảm nguồn cung dồi dào cho tiêu dùng trong nước.
Năm 2021, các hiện tượng thời tiết cực đoan lại gây thêm một năm khó khăn cho nông dân Ấn Độ. Lốc xoáy Tauktae và lốc xoáy Yaas đã tàn phá một số bang, đặc biệt là ở Odisha, Tây Bengal và Karnataka. Vào tháng 7, lũ lụt ở Maharashtra đã làm hư hại cây trồng, đồng thời mưa lớn đã phá hủy mùa màng chuẩn bị thu hoạch ở nhiều huyện của bang Kerala hồi tháng 10-2021... Nhìn chung, Ấn Độ đã mất 5,04 triệu héc ta diện tích cây trồng do bão xoáy, lũ quét, lũ lụt, lở đất… trong năm 2021.
Trước tình hình này, tổ chức từ thiện Đức Welthungerhilfe cảnh báo, giá lương thực tăng trên toàn thế giới cũng báo trước nạn đói gia tăng. “Chúng tôi lo ngại khi giá ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, dầu ăn và các mặt hàng thực phẩm chủ lực khác có xu hướng tăng. Đây là điều đáng báo động vì giá lương thực cao liên tục có thể làm trầm trọng thêm nạn đói. Đã có khoảng 811 triệu người đói trên toàn thế giới”, Tiến sĩ Rafael Schneider, Phó Giám đốc của Welthungerhilfe cho biết.
Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa thực sự và nếu không được kiểm soát nó có thể gây mất ổn định cho toàn bộ hệ thống lương thực. Cho đến lúc chính phủ các nước có những thay đổi đột phá cho ngành Nông nghiệp thì việc kiềm chế biến đổi khí hậu vẫn là một thách thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.