Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tác động tích cực tới môi trường giáo dục

Thống Nhất| 26/11/2016 08:08

(HNM) - Theo kế hoạch, hết tháng 11-2016, dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” sẽ kết thúc. Hơn hai năm triển khai dự án là một chặng đường chưa hẳn là dài, nhưng cũng không quá ngắn, cho thấy những tác động của dự án đối với học sinh (HS), giáo viên và cả phụ huynh HS của 20 trường phổ thông đang thụ hưởng dự án.

Một giờ học về phòng chống bạo lực giới thuộc Dự án Plan.


Theo chia sẻ của đại diện ban điều hành dự án, “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” là một trong 17 dự án thành công của Plan International trên toàn cầu. Ngân sách dành cho việc triển khai dự án không hẳn là lớn, nhưng sự phối hợp vào cuộc nghiêm túc, có trách nhiệm của các thành viên tham gia điều hành, chỉ đạo triển khai đề án và cả những thành viên thụ hưởng dự án đã đem lại sự chuyển biến tích cực tại các nhà trường.

Mục tiêu của dự án nhằm tạo cơ hội cho HS từ 11 đến 18 tuổi tại 20 trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố được bảo vệ an toàn khỏi các hình thức bạo lực trên cơ sở giới tại trường học. Đây là dự án đầu tiên ở Hà Nội có cách tiếp cận mang tính tổng thể và có hệ thống để giải quyết các vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong môi trường học đường. Theo đó, không chỉ giáo dục HS về kiến thức và kỹ năng để phòng tránh và xử lý khi đối diện với bạo lực giới, dự án còn nâng cao năng lực và huy động sự vào cuộc của cán bộ, giáo viên và các bậc phụ huynh nhằm xây dựng môi trường học đường an toàn.

Đã có rất nhiều hoạt động được tổ chức trong chặng cuối của dự án, từ tháng 6 đến nay. Ngoài việc tập huấn cho giảng viên nguồn, cán bộ đoàn/đội, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ tham vấn, tổ chức hội thảo định hướng cho giáo viên bộ môn, dự án còn có nhiều hoạt động được đánh giá cao như hướng dẫn, xây dựng tài liệu cho phụ huynh về nội dung phòng chống, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, thiết lập phòng tư vấn thân thiện, cung cấp dịch vụ tư vấn tại trường học, xây dựng nguyên tắc, nội quy ứng xử trong trường học... Đáng chú ý là trong giai đoạn này, ban điều hành dự án đã tích cực hỗ trợ các nhà trường xây dựng kế hoạch hoạt động để tiếp tục duy trì mô hình sau khi dự án kết thúc. Ghi nhận từ các nhà trường cho thấy cán bộ, giáo viên và HS đều rất hào hứng, hy vọng mô hình hoạt động của dự án sẽ tiếp tục được triển khai.

Thầy giáo Nguyễn Hùng Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Vạn Thắng (Ba Vì) đánh giá: Dự án đã để lại rất nhiều cái "được", trong đó có sự chuyển biến về ý thức, hành vi của HS đối với vấn đề bạo lực giới, đồng thời huy động được sự chung tay của nhiều lực lượng tham gia vào quá trình giáo dục. Với HS khu vực vùng sâu, vùng xa, việc cung cấp kiến thức về kỹ năng sống có ý nghĩa lớn, giúp các em tự tin và chủ động hơn khi giao tiếp, xử lý tình huống ngoài đời.

Cô giáo Nguyễn Phương Liên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nhận định: Dự án tạo nền tảng cho giáo viên tiếp tục triển khai các nội dung tương tự trong giai đoạn tới nhằm hướng đến mục tiêu tạo mọi điều kiện tốt nhất cho HS học tập và phát triển nhân cách. Sắp tới, khi dự án khép lại, nhà trường vẫn duy trì hoạt động của phòng tham vấn, bổ sung sách, tài liệu bồi dưỡng kỹ năng sống cho HS; bổ sung thành viên câu lạc bộ lãnh đạo trẻ để làm nòng cốt cho các sự kiện truyền thông tại trường...

"Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan International Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 với sự tài trợ của Quỹ Ủy thác của Liên hợp quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tác động tích cực tới môi trường giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.