(HNM) - Cách đây hơn 61 năm, ngày 12-1-1958, trên cánh đồng Quai Chảo, xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), Bác Hồ đã về chống hạn cùng bà con nông dân. Hình ảnh vị lãnh tụ bình dị, quần xắn tới gối lội ruộng tát nước vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của nhiều người. Nhớ lời Bác dặn năm xưa, cán bộ, nhân dân xã Tả Thanh Oai đã, đang nỗ lực lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, đời sống người dân ngày càng no ấm, sung túc...
Những ký ức không thể nào quên
Đến xã Tả Thanh Oai vào những ngày đầu thu, khi cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghe lại câu chuyện về Bác, mỗi chúng tôi đều trào dâng niềm cảm xúc. Hình ảnh vị lãnh tụ - Bác Hồ kính yêu, xuống đồng, tát nước chống hạn cứu lúa cùng bà con nông dân vẫn đọng mãi trong tâm trí mỗi cán bộ và người dân nơi đây.
Dẫn chúng tôi đến Đài tưởng niệm Bác Hồ tát nước chống hạn đặt giữa cánh đồng Quai Chảo là ông Ngô Mạnh Quyền (84 tuổi) - một trong những nhân chứng lịch sử được gặp Bác khi đó. Ông Ngô Mạnh Quyền kể: Xã Tả Thanh Oai lúc bấy giờ có tên là xã Đại Thanh thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Năm 1958, những cánh đồng của Đại Thanh gặp hạn hán nghiêm trọng, hàng trăm héc ta ruộng khô nứt chân chim. Vụ chiêm năm 1958, nhân dân trong xã tập trung mọi nguồn lực để quyết tâm cấy hết diện tích đúng thời vụ, đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, vẫn còn tới 50% diện tích chưa thể gieo cấy vì thiếu nước.
Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã phát động, kêu gọi nhân dân khơi sâu mương máng để lấy nước từ sông Nhuệ vào; đồng thời suốt ngày đêm, người dân tát nước bằng mọi phương tiện, đưa nước vào đồng và thực hiện phương châm, cày bừa đến đâu, cấy lúa ngay đến đấy. Trong những ngày đó, ba thôn: Nhân Hòa, Thượng Phúc, Siêu Quần đã cấy sắp xong; riêng thôn Tả Thanh Oai bị hạn nặng hơn, tập trung ở 50 mẫu cánh đồng Quai Chảo. Khi ấy, xã huy động lực lượng thanh niên, dân quân tát nước dọc bờ sông Lán và bộ đội về giúp dân tát nước dọc bờ sông Hòa Bình.
Trong lúc nhân dân xã Đại Thanh ra sức chống hạn thì được Bác Hồ về thăm vào sáng 23 tháng Chạp năm Đinh Dậu, tức ngày 12-1-1958. Cùng đi với Bác có đồng chí Vũ Quý, Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông và một số đồng chí khác. Bồi hồi nhớ lại ngày ấy, ông Ngô Mạnh Quyền kể tiếp: “Khi đó, Bác vận một bộ đồ ka ki màu trắng, chân đi dép cao su. Thấy Bác, ai nấy đều reo lên vui sướng. Bác xắn quần đi thẳng ra cánh đồng chỗ bà con đang tát nước chống hạn. Đến tàu tát của cụ Ba Lan thì Bác nói cụ ra nghỉ và vào tát nước thay. Bác nói: “Tôi tuy đã xa công việc nhà nông mấy chục năm nay, nhưng tát nước thì vẫn nhớ”. Thế rồi, Bác cùng đồng chí Vũ Quý tát nước. Trong tư thế đứng vững chãi của người tát nước gầu giai, Bác thả gầu, múc nước, đổ nước thuần thục như một lão nông. Bác ôn tồn động viên mọi người, sau đó, lội qua sông Lán, đi về cống Minh Lâu. Bác căn dặn cán bộ, đảng viên và một số người dân có mặt tại đó: “Các cô, các chú tích cực tát nước chống hạn, cấy hết diện tích, Bác chờ thành tích của các cô, các chú báo công lên Bác”. Tất cả thanh niên, dân quân, bộ đội có mặt lúc đó đều trào dâng niềm xúc động.
Sự kiện Bác về tát nước chống hạn là nguồn cổ vũ lớn lao cho người dân xã Đại Thanh lúc bấy giờ. Sau thời điểm ấy, toàn xã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất. Chỉ trong một thời gian ngắn, cánh đồng khô hạn Quai Chảo đã đầy nước và lúa đã phủ xanh...
Về câu chuyện này, ông Ngô Vi Thắng (ở xã Tả Thanh Oai, năm nay gần 80 tuổi) cho biết: “Vụ xuân năm ấy, xã Đại Thanh bội thu chưa từng có như để báo công dâng Bác. Thành quả ấy không chỉ là niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã mà còn góp phần nhỏ bé động viên phong trào lao động sản xuất toàn miền Bắc. Sau này, để kỷ niệm ngày Bác về tát nước chống hạn với nhân dân, tỉnh Hà Đông đã xây dựng Trạm bơm Đại Thanh với công suất 4.000m3/giờ...”.
Chung sức xây dựng quê hương
Làm theo lời Bác, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Tả Thanh Oai đã, đang chung sức, đồng lòng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng quê hương giàu đẹp. Cánh đồng Quai Chảo năm xưa nơi Bác Hồ tát nước chống hạn đã được dồn điền, đổi thửa, bằng phẳng, thẳng cánh cò bay.
Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai Nguyễn Tràng Thắng cho biết: Cùng với việc phát triển ngành nghề dịch vụ, xã chú trọng chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang hình thành 3 vùng sản xuất tập trung gồm: 140ha nuôi trồng thủy sản; 30ha trồng cây ăn quả và 287ha lúa chất lượng cao. Những năm gần đây, từ việc tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt từ 180 đến 200 triệu đồng/ha/năm. Xã phấn đấu đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm. Hiện nay xã Tả Thanh Oai đang xây dựng lộ trình phát triển, trở thành phường khi huyện Thanh Trì trở thành quận, bằng việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Nguyễn Sỹ Dũng ở thôn Siêu Quần nói với chúng tôi: Trước đây diện tích sản xuất nông nghiệp ở thôn Siêu Quần chủ yếu là trồng lúa nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình khác, với diện tích 6,8ha trồng bưởi Diễn, mỗi năm gia đình thu về hàng tỷ đồng.
“Đời sống của người dân được nâng cao, điều kiện sống thay đổi từng ngày. Đường làng, ngõ xóm được đầu tư khang trang, nhiều tuyến đường hoa được hình thành, mở ra một diện mạo mới cho vùng quê Tả Thanh Oai” - ông Nguyễn Trọng Chữ ở thôn Siêu Quần vui vẻ cho biết thêm.
61 năm trôi qua, hình ảnh Bác Hồ về thăm, tát nước chống hạn cùng người dân vẫn nguyên vẹn trong ký ức của cán bộ và nhân dân xã Tả Thanh Oai. Thực hiện lời Bác dặn, cán bộ và nhân dân xã Tả Thanh Oai đang quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa hướng tới xây dựng địa phương trở nên văn minh hiện đại; diện mạo cảnh quan ngày càng xanh, sạch, đẹp; đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.