Ngày 25/6, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các lực lượng của Syria đã bắn máy bay thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ khi chiếc máy bay này đang tìm kiếm chiếc máy bay trinh sát F-4 bị chính Syria bắn hạ tuần trước.
Chiếc máy bay tìm kiếm và cứu hộ CASA đang trên đường đi tìm kiếm chiếc chiến đấu cơ F-4 Phantom bị bắn rơi thì bị quân đội Syria tấn công. Vụ tấn công chỉ dừng lại khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phát đi tín hiệu cảnh báo. Chiếc máy bay này đã may mắn không bị bắn hạ
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc cho biết Ankara sẽ tự vệ trong khuôn khổ luật pháp quốc tế trước cái mà họ gọi là "hành động thù địch" của Syria khi Damascus bắn hạ máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước.
Một chiếc F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ, tương tự với chiếc bị Syria bắn rơi. (ảnh: DT) |
Phó Thủ tướng Arinc tuyên bố Syria sẽ bị trừng phạt nhưng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ “không có ý định tham gia một cuộc chiến với bất kỳ ai”.
NATO sẽ thảo luận vụ Syria bắn rơi máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc họp ở Brussels hôm nay.
Phía Syria khẳng định chiếc F-4 đã bị bắn rơi do vi phạm không phận nước này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi cho biết địa điểm của máy bay rơi sẽ chứng minh điều đó.
Nhưng ông Arinc phát biểu trên truyền hình: “Rõ ràng là người Syria cố tình bắn hạ chiếc máy bay của chúng tôi trong vùng không phận quốc tế. Các thông tin của chúng tôi cho thấy máy bay bị bắn rơi bởi một tên lửa dẫn đường bằng laser”.
“Tấn công một chiếc máy bay theo cách này mà không có cảnh báo là một hành động tù địch”, ông Arinc nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết định trong những ngày tới xem có ngừng xuất khẩu điện tới Syria hay không, một động thái mà ông nói rằng Ankara chưa thực hiện vì “các lý do nhân đạo”.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Glushko đã hối thúc NATO không lợi dụng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc triệu tập một cuộc họp của liên minh quân sự này để làm leo thang tình hình căng thẳng tại Syria.
Trước đó, Ankara đã đề nghị NATO tổ chức cuộc họp đặc biệt để thảo luận về Điều IV của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương liên quan đến vụ Syria bắn rơi máy bay tiêm kích của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22/6.
Cũng trong ngày 25/6, nguồn tin từ LHQ cho biết điều tra viên về nhân quyền hàng đầu của LHQ, ông Paulo Pinheiro, đã tới Syria và đàm phán với giới chức cấp cao Damascus để mở đường cho việc LHQ điều tra nạn bạo lực lan rộng tại nước này.
Đây là lần đầu tiên ông Pinheiro được phép tới Syria kể từ khi đội điều tra của ông được Hội đồng Nhân quyền của LHQ thành lập vào tháng 9/2011.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.