(HNM) - Trong một động thái nhằm
Tổng thống Park Geun-Hye (trái), Tổng thống Barack Obama (giữa) và Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Hà Lan. |
Tuy không phải hội nghị thượng đỉnh chính thức với các nghị trình quan trọng, nhưng cuộc gặp vừa kết thúc được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Đây là cuộc đối thoại chính thức đầu tiên giữa Thủ tướng S.Abe với Tổng thống Park Geun - Hye kể từ khi hai nhà lãnh đạo này lên nắm quyền cách đây hơn một năm. Khẳng định Nhật Bản - Hàn Quốc không chỉ là hai trong số các đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực mà cả trên phạm vi thế giới, Tổng thống B.Obama đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác liên minh Mỹ - Nhật - Hàn trong việc đóng góp cho hòa bình và an ninh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chia sẻ quan điểm trên với Tổng thống B.Obama, cả hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đều nhìn nhận cuộc gặp như một bước đi cần thiết để cụ thể hóa những cam kết của ba bên, qua đó làm sâu sắc thêm sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là bảo đảm an ninh khu vực.
Cuộc gặp trên diễn ra vào thời điểm khu vực Đông Bắc Á không ngừng nóng lên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn. Thậm chí, ngay sau khi cuộc họp kết thúc đã có thông tin Triều Tiên tiếp tục phóng thử thêm 2 tên lửa đạn đạo tầm trung vào vùng biển Nhật Bản. Điều đó lý giải vì sao vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên lại trở thành mối quan tâm chung của cả ba nhà lãnh đạo trong cuộc gặp này. Tổng thống Park Geun - Hye nhấn mạnh, điều quan trọng là cả ba nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong giải quyết những khía cạnh liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Cùng với những bất đồng khó tránh khỏi do tồn tại lịch sử cũng như tranh cãi về chủ quyền lãnh hải, quan hệ giữa hai nền kinh tế đầu tàu ở khu vực Đông Bắc Á trở nên căng thẳng hơn từ khi Thủ tướng S.Abe hồi tháng 12-2013 đến viếng đền Yasukuni, nơi thờ các binh sĩ Nhật Bản tử trận trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên việc làm này lại vấp phải sự chỉ trích của Hàn Quốc. Trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Nhật - Hàn chưa "tan băng", việc đưa hai nhà lãnh đạo Đông Bắc Á cùng ngồi chung một bàn đối thoại được xem là bước đột phá lớn trong nỗ lực của Washington. Trên một bình diện khác, cuộc gặp không chỉ tạo sự khởi đầu mới cho nỗ lực làm "ấm lại" quan hệ hợp tác giữa ba bên Mỹ - Nhật - Hàn, mà còn là sự kiện quốc tế giúp cả hai nhà lãnh đạo Nhật - Hàn tránh được áp lực từ nội bộ trong nước trong vấn đề cải thiện quan hệ.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, có nhiều lý do khiến Mỹ không thể thờ ơ đứng nhìn khi quan hệ của hai quốc gia đồng minh Nhật - Hàn rơi vào tình trạng "cơm không lành, canh chẳng ngọt". Sự lạnh nhạt trong quan hệ giữa Tokyo và Seoul không chỉ ảnh hưởng đến đại cục quan hệ đồng minh giữa ba nước mà còn tác động tiêu cực tới chiến lược ngoại giao "xoay trục sang Châu Á" của Mỹ hiện nay. Vì vậy, sự xích lại gần nhau trong quan hệ Nhật - Hàn sẽ có ý nghĩa quan trọng cho các lợi ích chiến lược của Mỹ không chỉ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên bình diện toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Nga sau sự kiện Crimea chưa hạ nhiệt. Không dừng lại ở đó, Washington kỳ vọng qua cuộc đối thoại sẽ tạo bước tiến trong quan hệ song phương giữa Seoul và Tokyo trước thềm chuyến công du Châu Á của Tổng thống Barack Obama dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới.
Vẫn còn quá sớm để khẳng định một cuộc gặp thượng đỉnh song phương Hàn - Nhật sẽ diễn ra trong nay mai, song cuộc gặp mang ý nghĩa khởi đầu trên vẫn được đánh giá là một bước đột phá về ngoại giao trong nỗ lực cải thiện quan hệ song phương. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thắt chặt và khẳng định sức mạnh của liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc trong việc đối phó với các thách thức an ninh của khu vực và tạo nên một mối liên kết có khả năng đối trọng tại Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực năng động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều bất ổn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.