(HNM) - Sau một thời gian gặp khó khăn vì dịch Covid-19, đến nay, hầu hết các sân khấu đã từng bước khôi phục hoạt động biểu diễn. Đặc biệt, các đơn vị nghệ thuật đã, đang tích cực dàn dựng và cho ra mắt những chương trình, vở diễn mới chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đón Xuân Tân Sửu 2021... Với những thông điệp giàu ý nghĩa mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới, đây là món ăn tinh thần đặc sắc, hấp dẫn phục vụ công chúng để khởi đầu cho một năm mới thành công.
Điểm nổi bật của những tác phẩm nghệ thuật ra mắt dịp này là các nghệ sĩ, diễn viên vừa bám sát chủ đề tuyên truyền, vừa sáng tạo, khéo léo đưa hơi thở thời đại vào tác phẩm. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống với tính giải trí, ứng dụng công nghệ hiện đại bằng một tư duy mới mẻ đã tạo cho tác phẩm nghệ thuật sân khấu sự cuốn hút riêng có, chinh phục được nhiều đối tượng khán giả.
Không dừng ở một dịp hay một sự kiện, xét trong bối cảnh các loại hình giải trí đang rất đa dạng và phong phú, để thu hút được khán giả đến với sân khấu nghệ thuật, bên cạnh giữ được các yếu tố gốc, người làm nghệ thuật phải luôn biết làm mới tác phẩm sân khấu, phù hợp với xu hướng thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Cùng với đó là sáng tác được kịch bản tốt, dàn dựng vở diễn, chương trình hay, thu hút nhiều đối tượng khán giả.
Muốn vậy, các đơn vị nghệ thuật cần nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của công chúng, chú trọng dàn dựng vở diễn có nội dung sâu sắc, bám sát hơi thở cuộc sống, có giá trị lâu bền chứ không phải là nghệ thuật thiếu tính bền vững. Về lâu dài, cần có chiến lược đặt hàng sáng tác những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, có chiều sâu, cập nhật được những vấn đề thời sự đặt ra trong đời sống xã hội. Đồng thời, hoạt động truyền thông, quảng bá tác phẩm phải tiếp tục được quan tâm bằng nhiều kênh khác nhau để tiếp cận với khán giả một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Ngoài ra, các đơn vị nghệ thuật cần tự đổi mới mạnh mẽ và ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học - công nghệ mới; quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu biểu diễn nghệ thuật hiện nay. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các đơn vị nghệ thuật, nhà hát cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch để bảo đảm sân khấu luôn được "sáng đèn", không bị ngừng diễn vì dịch…
Cũng để sân khấu luôn “sáng đèn”, bên cạnh sự nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ thì sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng là rất quan trọng. Ở đây, cần chú trọng tới việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn, biên đạo…, góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng, tạo điều kiện để các nghệ sĩ yên tâm sáng tạo, cống hiến. Việc này cũng cần chú trọng công tác xã hội hóa, trong đó cần huy động sự tham gia mạnh mẽ của các đơn vị nghệ thuật tư nhân.
Điều quan trọng nữa là cần tăng cường mở rộng hoạt động sân khấu không chuyên, đưa nghệ thuật sân khấu thấm sâu vào đời sống xã hội. Đây là cách thức hiệu quả giúp những giá trị của nghệ thuật sân khấu có thể thâm nhập, lan tỏa trong cuộc sống, từ đó tạo nên sức sống lâu bền cho sân khấu.
Với nhiệt huyết, hứng khởi của các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ, cùng sự chung tay của các cơ quan chức năng, những chương trình sân khấu không chỉ đáp ứng mong mỏi của khán giả dịp Tết đến, xuân về mà còn tạo sức sống mới cho lĩnh vực này phát triển hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.