Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức mua yếu, doanh nghiệp “bấm bụng” giữ giá

Đặng Loan| 22/08/2012 06:38

(HNM) - Sau ba lần xăng tăng giá trong vòng chưa đầy một tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP đã tăng trở lại sau hai tháng âm liên tiếp. Điều đáng mừng là giá thực phẩm thiết yếu vẫn ổn định.


Thực phẩm chợ đầu mối ổn định, chợ lẻ tăng nhẹ

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc Công ty Chợ đầu mối Bình Điền cho biết, giá cả tại chợ này vẫn bình thường, không có biến động gì sau ba đợt xăng tăng giá. Hiện lượng hàng về chợ khoảng 240.000 tấn/ngày đêm, tăng nhẹ so với thời điểm tháng trước. Thịt lợn móc hàm khoảng 44.000 đồng/kg, các loại cá cũng ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ từ 2.000 đến 4.000 đồng/kg. Theo ông Phú, giá cả bị chi phối mạnh nhất bởi quy luật cung cầu. Trong khi đó, từ tết đến nay sức mua yếu nên giá cũng ổn định và có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, đợt xăng tăng vào tháng 7 âm lịch, là tháng ăn chay nên các mặt hàng thực phẩm mặn như thịt, cá sẽ khó tăng. Tuy nhiên, do xăng đã điều chỉnh tăng giá ba lần liên tục nên vẫn chưa dự đoán được thị trường ra sao, phải khoảng một tuần nữa mới biết giá có tăng hay không?


Buôn bán ế ẩm khiến các tiểu thương không dám tăng giá.

Tương tự, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản và lý kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, cho biết, lượng hàng về đây đang ở mức cao với khoảng 3.200 tấn/ngày đêm. Do sức mua yếu, cung vượt cầu nên giá vẫn ổn định, thậm chí một số mặt hàng rau, củ, quả như cải xanh, cà chua, dưa leo, bí xanh… có giảm nhẹ từ 200 đến 2.000 đồng/kg. Cũng theo bà Hà, độ trễ tăng giá ở chợ đầu mối là khoảng 2 - 3 tuần sau khi xăng, cước vận tải tăng giá. Tuy nhiên, thời tiết đang ổn định, lượng cầu nhiều trong khi sức mua giảm nên bà Hà dự đoán giá sẽ không tăng đột biến.

Không còn tình trạng "té nước theo mưa" diễn ra lâu nay, giá thực phẩm tại các chợ lẻ chỉ tăng nhẹ, hoặc ổn định. Ghi nhận tại các chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), Hòa Hưng (quận 10), Phạm Văn Hai (Tân Bình), giá thịt bò phi lê 220.000-240.000 đồng/kg; bò đùi 200.000-210.000 đồng/kg; thịt lợn đùi 70.000-80.000 đồng/kg, ba chỉ rút sườn 100.000-110.000 đồng/kg; đùi gà góc tư 50.000-55.000 đồng/kg, cánh gà 85.000-90.000 đồng/kg… Các loại rau, củ, quả có loại tăng, có loại giảm tùy theo hàng ít hay nhiều. Tại chợ Nguyễn Văn Trỗi cải ngọt 14.000 đồng/kg, xà lách búp Đà Lạt 5.000 đồng/lạng. Dưa leo tăng 1.000 đồng/kg, lên 11.000 đồng, bí đỏ tăng khoảng 3.000 đồng/kg lên đến 17.000 đồng/kg. Cũng có một số mặt hàng giảm như cà chua giảm 1.000 đồng/kg… Các tiểu thương cho rằng do quá ế ẩm nên phải bớt lợi nhuận cho người mua, không dám tăng giá.

Siêu thị: Chưa nhận yêu cầu tăng giá từ nhà cung cấp

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại của hệ thống siêu thị BigC cho biết, BigC chưa nhận được yêu cầu tăng giá từ nhà cung cấp. Theo bà Trang, đây là thời điểm nhạy cảm, sức mua yếu nên các nhà cung cấp phải xem xét rất kỹ vấn đề tăng giá. Hệ thống siêu thị Co.opMart cũng chưa nhận được yêu cầu tăng giá nào. Để giữ giá hàng hóa ổn định, đại diện Co.opMart cho biết đã gửi thông báo đến các nhà cung cấp, theo đó đề nghị không tăng giá các mặt hàng vào thời điểm này, muốn tăng phải giải trình hợp lý, bởi khi sức mua đang rất thấp, tăng giá là "tự sát". Co.opMart cũng cho hay nếu nhà cung cấp nào yêu cầu tăng giá sẽ nỗ lực tìm các nhà cung cấp mới thay thế.

Để kích cầu tiêu dùng, hiện các siêu thị vẫn liên tục tung ra các đợt hàng khuyến mãi. Kết thúc ba chương trình khuyến mãi chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng vào ngày 26-8, thì từ ngày 27-8 đến 23-9 Co.opMart sẽ tiếp tục tung ra chương trình Tự hào hàng Việt 2012 với giá trị đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Theo đó, sẽ có hơn 2.000 mặt hàng của hơn 600 nhà cung cấp được giảm giá đến 49%. Co.opMart tặng phiếu mua hàng đến hơn 20 tỷ đồng trong thời gian này để thu hút người mua. Tại hệ thống siêu thị BigC, từ ngày 15-8 đến 3-9 cũng có hai chương trình khuyến mãi "Rộn ràng sinh nhật" và "Wah! Chất lượng giá rẻ!" với gần 1.200 mặt hàng có mức giảm giá đến 40%, trong đó có hơn 200 mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm giá 5%-35%. BigC cũng dành đến 3,5 tỷ đồng cho các giải thưởng nhằm khuyến khích người tiêu dùng. Tại siêu thị LotteMart, từ ngày 16 đến 29-8 cũng có nhiều mặt hàng thực phẩm được khuyến mãi giảm giá đến 49%…

Giá thực phẩm dù đang ổn định nhưng vẫn khiến người tiêu dùng lo lắng. Bởi các mặt hàng thiết yếu khác như xăng, điện, nước đã tăng giá liên tục và tác động rất rõ qua chỉ số CPI tháng 8 đã tăng trở lại với 9/11 nhóm hàng tăng giá. Và yếu tố quan trọng khiến lo lắng của người tiêu dùng có cơ sở, là giá giảm là do sức mua yếu, cung cầu chưa gặp nhau chứ chưa phải giá cả đang được kiểm soát tốt!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức mua yếu, doanh nghiệp “bấm bụng” giữ giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.