(HNM) - Kỹ thuật số, đa phương tiện, internet radio, phát thanh trên thiết bị di động… là những cụm từ được nhắc nhiều trong 10 năm trở lại đây. Và rõ ràng phát thanh - phương tiện hữu hiệu của truyền thông "một người nói triệu triệu người nghe" đã và đang hòa mình vào xu thế phát triển mới. Những vấn đề này đã được đặt ra trong một cuộc trao đổi nghiệp vụ của Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 10 vừa qua.
Trước sức mạnh truyền thông đa phương tiện
Mới đây, chị Đặng Thủy, một cán bộ ở Hà Nội đã mua riêng cho con trai 8 tuổi một chiếc đài để nghe thông tin, truyện kể, bài hát phù hợp trên sóng Đài TNVN. Từ hàng chục năm nay, với gia đình chị Thủy nghe đài giống như một sinh hoạt hằng ngày không thể thiếu. Rõ ràng, Đài Tiếng nói có một sức hấp dẫn nội tại riêng. Điều này đặc biệt thể hiện trên các phương tiện giao thông công cộng. "Nhà đài" đã trở thành bạn thời thiết, bạn chỉ dẫn khỏi tắc đường, bạn cung cấp thông tin thời sự, giải trí…
Phát thanh từ lâu đã là người bạn gắn bó với mọi người dân. Ảnh: Bảo Lâm |
Tuy nhiên, phát thanh nhìn từ góc độ "nhà đài" lẫn thính giả đều đang có những chuyển biến mới, song hành cùng với phát thanh truyền thống. Đó là xu thế chuyển dần sang kỹ thuật số, đa phương tiện. Phát thanh sẽ không còn là tiếng nói đơn thuần mà đã có thêm văn bản, dữ liệu hay tín hiệu video… Máy thu thanh cũng không chỉ làm nhiệm vụ chiếc "loa" mà đã trở thành kho thông tin đa phương tiện với nhiều chức năng như màn hình LCD hiển thị các thông tin như tên bài hát, ca sĩ, giao thông, thời tiết.
Bên cạnh đó là khả năng tích hợp với các dịch vụ khác như phát thanh internet, trên thiết bị di động… Ở Trung Quốc năm 2011 đã ra mắt Đài Phát thanh internet quốc tế. Người ta dự đoán, vài năm tới thính giả sẽ sử dụng điện thoại di động để nghe nhiều hơn là máy thu thanh. Sử dụng các phương thức truyền tải mới, nghĩa là phát thanh có thêm cơ hội tiếp cận thính giả nhiều hơn. BBC đánh giá rằng 4 năm qua, người nghe đến với BBC tiếng Việt tăng mạnh nhờ internet và gần đây là nhờ điện thoại di động. Ở Mỹ, giới trẻ từ 18 đến 30 tuổi sử dụng thời gian cho internet bằng hoặc nhiều hơn tivi.
Tuy nhiên, điểm chung của các xu hướng phát thanh kỹ thuật số trên thế giới là tính truyền thông một chiều, không có kênh phản hồi lại. Do đó đây tiếp tục là một hướng khai thác mới mà phát thanh đang hướng tới. Trong đó có việc kết hợp với 3G hay GPRS để tăng tính tương tác, phản hồi. Các nhà chuyên môn nhận định "Chưa bao giờ các thiết bị thu lại sẵn sàng trên thị trường như hiện nay, chỉ chờ dịch vụ được phát ra và thực tế là công nghệ đang phát triển đi trước nội dung cung cấp".
Tương tác và hỗ trợ
Phát thanh đã vượt qua được thử thách trước sự phát triển của truyền hình vào những năm 1970. Thậm chí nó vẫn thu hút các nhà quảng cáo. Yếu tố hấp dẫn là "cái gì đó mà các phương tiện khác không thể so sánh được". Phải chăng đó chính là khả năng hấp dẫn tự nhiên của tiếng nói, tính chủ động trong tiếp nhận thông tin linh hoạt trong khi phải cùng lúc thực hiện nhiều công việc khác. Hình ảnh của truyền hình xét ở một góc độ nào đó là sức mạnh cũng lại chính là yếu tố làm sao nhãng, phân tán thông tin tiếp nhận. Tiếng nói, âm thanh đơn thuần có thể tạo sức mạnh khi cần làm việc tập trung. Không phải ngẫu nhiên mà giới trẻ Singapore hiện nay sử dụng các máy MP3 để nghe các bản nhạc kinh điển như một phương pháp tăng cường hiệu quả học tập.
Ở Việt Nam hiện nay, một số Đài PT-TH, báo điện tử, công ty truyền thông… đang cung cấp bản tin phát thanh và kênh phát thanh riêng như radio.vnmedia.vn của báo điện tử vnmedia; trang voh.com.vn của Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh, rồi các chương trình radio online tuổi trẻ, nhịp sống trẻ… trên tuoitre.vn. Và VOVnews mobile (phát thanh, đọc báo trên di động) cũng đã có 2 năm ra mắt công chúng.
Câu chuyện truyền thông đa phương tiện rõ ràng không chỉ liên quan đến phát thanh. Google đã có một khảo sát trên hơn 1.000 người Việt Nam năm 2010 và cho kết quả 81% dành thời gian cho internet, 57% cho ti vi, 36% cho báo và tạp chí. Như vậy các loại hình truyền thông khác cũng đang chịu nhiều sức ép giành thị phần.
Truyền hình từng một thời "làm mưa làm gió", hiện cũng đứng trước nhiều thách thức trong cạnh tranh, thu hút người xem. Tại một cuộc ra mắt phiên bản VTV6 mới đây, "Nhà đài" không ngần ngại thừa nhận khán giả ngày một giảm thời gian dành cho tivi. Tính chất làm người xem bị động của truyền hình là rất rõ nét, trong khi tính chủ động của người sử dụng internet rất cao và khả năng linh hoạt về thiết bị thu của radio đang là một hướng tiềm năng.
Cạnh tranh nhưng thực tế là mỗi xu hướng đa phương tiện hiện nay đều có thể hỗ trợ nhau, như một nhân tố thúc đẩy cho quá trình chuyển sang công nghệ số và đa phương tiện của phát thanh nói riêng và các loại hình báo chí khác nói chung. Sự thành công, theo các nhà chuyên môn phụ thuộc vào một chiến lược cụ thể trong đó có nhiều yếu tố phải được đánh giá kỹ càng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.