Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức mạnh nội sinh của hệ thống chính trị

GS.TS Đinh Xuân Dũng| 20/01/2016 06:39

(HNM) - Cơ chế này lần đầu tiên được nêu lên tại Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 - năm mở đầu cho công cuộc đổi mới. Văn kiện Đại hội khẳng định



Sau này, trong Cương lĩnh 1991, luận điểm quan trọng này tiếp tục được vận dụng và phát triển. Từ hoạt động chỉ đạo và tổng kết thực tiễn qua 30 năm đổi mới, cơ chế tổng thể này được phát triển và cụ thể hóa, trở thành mô hình khái quát nhất hệ thống chính trị của chúng ta, bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân - ba nhân tố có quan hệ không thể tách rời tạo nên cơ chế chung quản lý toàn bộ xã hội. Có thể khẳng định rằng, từ đổi mới đến nay, trên lĩnh vực hệ thống chính trị, về mặt nhận thức, chúng ta đã làm rõ hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn cơ chế trên và về mặt thực tiễn, đã có nỗ lực giải quyết những vấn đề mới đặt ra nhằm hiện thực hóa cơ chế đó trong đời sống xã hội.

Khi nói “Đảng lãnh đạo” tức là lãnh đạo nhà nước và xã hội, song từ đó, không có nghĩa là Đảng đứng trên Nhà nước, bao biện làm thay Nhà nước hay đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật. Thực tiễn 30 năm qua đã cho Đảng ta khẳng định một tư tưởng cực kỳ quan trọng sau: Đảng phải là một thành tố nằm trong hệ thống chính trị, “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” và đặc biệt nhấn mạnh Đảng phải “gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” (Hiến pháp 2013). Chính đây là những yêu cầu rất cao, một thách thức gay gắt đối với Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Từ nhận thức đó, 30 năm đổi mới, liên tục Đảng ra các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên trì đấu tranh để Đảng giữ gìn sự trong sạch của mình, chống lại những căn bệnh nguy hiểm đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng như tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, quan liêu, xa rời nhân dân và sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Những kết quả ban đầu của cuộc đấu tranh đầy khó khăn trên đã giúp Đảng ta vượt qua những thách thức to lớn và giữ vững sự lãnh đạo, cầm quyền của mình.

Giám sát một công trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt


Nội hàm của khái niệm “nhà nước quản lý”, qua thực tiễn 30 năm đổi mới đã được cụ thể hóa nhiều mặt, trước hết là sự khẳng định một luận điểm mà trước đổi mới, chúng ta còn e dè, né tránh, đó là xây dựng “nhà nước pháp quyền” và đó phải là “nhà nước pháp quyền, xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân”. Như vậy, chúng ta đã vượt qua được một quan niệm đã cũ, lỗi thời trước đây về vai trò của Nhà nước, đặt chức năng và mục tiêu quản lý của Nhà nước tất cả vì nhân dân, vì quyền làm chủ của nhân dân theo tư tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “quyền hạn và lực lượng đều ở nơi dân”. Tư tưởng trên đã có tác dụng tích cực trong quá trình xây dựng chính quyền các cấp theo hướng trong sạch, vững mạnh và góp phần có hiệu quả ngăn chặn bước đầu các biểu hiện xa dân, quan liêu, sách nhiễu, hà hiếp dân, biến quyền lực mà nhân dân ủy quyền, giao phó cho các cơ quan, tổ chức nhà nước thành quyền uy cá nhân để tham nhũng, quấy nhiễu… nhân dân.

Trong 30 năm đổi mới, luận đề “nhân dân làm chủ” trong cơ chế tổng thể trên được triển khai nhiều mặt và bước đầu tạo được những kết quả quan trọng, cả về nhận thức và thực tiễn. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) và Hiến pháp 2013 đều khẳng định dứt khoát mục tiêu cao nhất, cuối cùng của sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, quản lý của Nhà nước là phục vụ nhân dân, “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. Muốn đạt được mục tiêu đó, phải hoàn thiện và thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa, do đó, có thể xác định rằng, thành quả nổi bật nhất của 30 năm đổi mới trong thực hiện cơ chế trên là tập trung làm rõ về lý luận và thực hiện trong thực tiễn nội dung “dân chủ xã hội chủ nghĩa” trong đời sống xã hội trên các lĩnh vực cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội… Dân chủ được phát huy đến mức nào sẽ là nhân tố quan trọng góp phần cho tính đúng đắn của sự lãnh đạo của Đảng và đảm bảo cho việc giữ gìn bản chất “của dân, do dân, vì dân” của Nhà nước pháp quyền của chúng ta. Đó là bài học mang tính thực tiễn - thời sự sâu sắc qua 30 năm đổi mới.

Nội dung của “nhân dân làm chủ” còn được thể hiện ở việc thực thi quy chế dân chủ ở cơ sở, trong việc xác định dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện của công dân và gần đây, nhấn mạnh đến quyền giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân.

Những kết quả trên trong việc thực hiện cơ chế tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đã trực tiếp góp phần vào thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của 30 năm đổi mới.

2. Tuy vậy, từ thực tiễn 30 năm qua, chúng ta nhận thấy còn nhiều vấn đề đã và đang đặt ra cần tiếp suy nghĩ và giải quyết về cơ chế này.

Trước hết, cần phải hiểu một cách biện chứng mối quan hệ giữa ba nhân tố (Đảng, Nhà nước, nhân dân) trong cơ chế trên. Trong thực tiễn, có khuynh hướng hoặc là nhìn nhận quan điểm trên chỉ như là khẩu hiệu chính trị dẫn tới hô hào suông, câu nói “cửa miệng” của một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền hoặc là đánh đồng ngang nhau cả ba nhân tố, lý giải có phần lúng túng quan hệ hiện thực giữa ba nhân tố đó. Thậm chí có khuynh hướng chỉ nhấn mạnh một chiều vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, coi đó như là điều kiện tất yếu, không cần phải làm gì hơn nữa đã dẫn tới “nhân dân làm chủ”. Từ đó, những cơ chế, chính sách, chế tài, điều kiện bảo đảm cho “tất cả quyền thực thuộc về nhân dân” không được quan tâm đúng mức.

Phải chăng, mối quan hệ biện chứng ở đây phải là: Nhân dân làm chủ trên cơ sở sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, có nghĩa là, sự lãnh đạo và quản lý đó phải tuân thủ một số nguyên lý tối cao là tôn trọng và thực thi “dân là gốc”, “dân làm chủ” như Bác Hồ đã nhiều lần khẳng định “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Và có lẽ, từ đó, phải nhấn mạnh hơn nữa nội dung này trong cơ chế trên: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý nhằm mục tiêu thực thi quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân làm chủ vừa là một thành tố không thể tách rời trong cơ chế trên, vừa là mục tiêu cao nhất khi triển khai cơ chế đó trong thực tiễn. Nhân dân tin tưởng trao quyền lãnh đạo cho Đảng để Đảng thực hiện khát vọng tự do, dân chủ, hạnh phúc và quyền làm chủ của mình. Nhân dân lập ra nhà nước (Quốc hội, Chính phủ) thông qua cơ chế bầu cử tự do, dân chủ tức là nhân dân ủy quyền, ủy nhiệm cho cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước, thay mặt mình thực thi quyền lực nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân. Ngoài nghĩa vụ đó ra, họ không có một quyền uy cá nhân nào. Không phải tổ chức nhà nước nào và tất cả cán bộ, công chức trong Đảng và trong chính quyền cũng nhận thức được điều tối quan trọng trên. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những căn bệnh trầm kha trong hệ thống chính trị mà chúng ta chưa đẩy lùi và khắc phục được như tham nhũng, quan liêu, thoái hóa, biến chất, sách nhiễu dân, biến quyền lực mà nhân dân ủy quyền thành quyền uy cá nhân để trục lợi…

Những quy định về sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ngày càng rõ hơn, nhưng nguyên lý, quan điểm “nhân dân làm chủ” tuy được khẳng định song trên thực tế chưa được thực thi đầy đủ, chưa có chế tài đủ mạnh để nhân dân thực hiện và đó là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới quyền làm chủ của nhân dân chưa được bảo đảm và phát huy đầy đủ, xuất hiện tình trạng vừa thiếu dân chủ, vừa thiếu kỷ cương trong tổ chức xã hội hoặc các biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ quá trớn, cực đoan cùng tồn tại trong nhiều lĩnh vực đời sống.

Những vấn đề đặt ra trên đây đòi hỏi trong quá trình đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để sắp tới, từ sau Đại hội XII của Đảng, cần phải tiếp tục suy nghĩ, đào sâu hơn nữa, trên phương diện lý luận và đặc biệt, trong chỉ đạo thực tiễn, để cơ chế tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trở thành nội lực, thành sức mạnh nội sinh của hệ thống chính trị của chúng ta, góp phần trực tiếp cho sự phát triển bền vững của đất nước thời kỳ mới.

________
(*) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội lần thứ VI. NXB Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.109.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức mạnh nội sinh của hệ thống chính trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.