(HNMCT) - Nghệ thuật có sức mạnh vượt thời gian, nhiều tác phẩm ra đời cách đây hàng chục năm vẫn còn nguyên tính thời sự, giá trị động viên thế hệ hôm nay. Đó là những gì mà người xem có thể cảm nhận rõ nét qua một số nội dung trưng bày online mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức. Nó cũng đồng thời cho thấy nỗ lực của những người muốn mang nghệ thuật đến với công chúng mọi lúc, mọi nơi, “ở yên chứ không ngồi im” giữa dịch.
Truyền cảm xúc từ quá khứ tới hiện tại
Ngay trong lúc Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Cuộc vận động sáng tác tranh cổ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng giới thiệu trên website http://vnfam.vn chùm tranh cổ động được sáng tác trong giai đoạn 1967 - 1978, hiện đang được lưu giữ tại đây. Công chúng có thể chiêm ngưỡng tác phẩm của nhiều họa sĩ nổi tiếng ở mảng đề tài này như Phạm Văn Đôn, Đào Đức, Bùi Trang Toàn, Nguyễn Văn Thiện, Trường Sinh, Nguyễn Thụ, Xuân Đông, Huỳnh Phương Đông... Các tác phẩm đề cập tới nhiều đề tài quen thuộc và có sức cổ động lớn như hình ảnh người chiến sĩ, người nông dân, công nhân trong từng lĩnh vực của đời sống.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng, tranh cổ động là thể loại xung kích của mỹ thuật nước nhà trước những sự kiện chính trị, những vấn đề thời sự của đất nước. Các họa sĩ vẽ tranh cổ động luôn là người đi đầu phản ánh đời sống xã hội bằng ngôn ngữ đồ họa cô đọng, súc tích, tác động mạnh mẽ đến người xem, khích lệ toàn quân, toàn dân tham gia kháng chiến, thi đua lao động sản xuất để phục vụ cách mạng. Chính vì vậy, những tác phẩm mỹ thuật này không chỉ phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc, mà ý nghĩa của nó còn gắn bó chặt chẽ với thời cuộc, góp phần động viên, khích lệ tinh thần lao động, chiến đấu của nhân dân ta trong phòng, chống dịch Covid-19.
Sau khi chùm tranh đăng tải nhận được phản hồi tốt từ người xem, Bảo tàng tiếp tục giới thiệu hai tác phẩm trên chất liệu lụa có ý nghĩa ca ngợi các y, bác sĩ, được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch và Đọc báo cho thương binh trên website của Bảo tàng. Việc giới thiệu lại các tác phẩm này giống như lời tri ân và góp phần tiếp thêm động lực cho các y, bác sĩ chiến thắng dịch Covid-19.
Xóa khoảng cách bằng công nghệ
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có vị trí quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực mỹ thuật. Những năm gần đây, Bảo tàng không ngừng nỗ lực đa dạng hóa các hình thức giới thiệu di sản mỹ thuật cho công chúng. Tuy nhiên, mới chỉ có một bộ phận nhỏ người dân có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các bộ sưu tập của Bảo tàng. “Đây là điều mà Bảo tàng luôn trăn trở. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 hoành hành, Bảo tàng phải tạm dừng đón khách tham quan thì mong muốn phải làm sao để người dân được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa đã thôi thúc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa việc giới thiệu sưu tập qua hình thức online” - Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Anh Minh chia sẻ.
Việc giới thiệu các tác phẩm bằng hình thức online lập tức nhận được sự quan tâm của báo chí, truyền thông. Qua đó, các tác phẩm mỹ thuật cùng thông điệp đẹp đẽ được lan tỏa, nhân rộng, góp phần động viên, khích lệ kịp thời các lực lượng trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Sự hưởng ứng tích cực này đã động viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục công việc giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật, đồng thời tăng cường tương tác với công chúng thông qua mạng xã hội, fanpage... Ngoài ra, Bảo tàng còn liên kết website với những bảo tàng, tổ chức khác nhằm gia tăng cơ hội quảng bá.
Tuy nhiên, theo bà Thu Hà, người phụ trách truyền thông của Bảo tàng, việc triển khai các hoạt động online trong thời điểm này gặp khá nhiều khó khăn, chẳng hạn như khi Bảo tàng đóng cửa, nhân viên phải làm việc tại nhà, tư liệu, hình ảnh không sẵn có. Website của Bảo tàng chưa được đầu tư nâng cấp để đem đến cho công chúng trải nghiệm tốt nhất. Đây cũng là thách thức chung đối với các bảo tàng công lập. Bên cạnh đó, việc đến thăm Bảo tàng và chiêm ngưỡng các tác phẩm mỹ thuật vẫn chưa trở thành thói quen, thành nhu cầu của đông đảo người dân, do đó, lượng công chúng quan tâm và truy cập vào trang web của Bảo tàng còn hạn chế.
Dẫu vậy, ông Nguyễn Anh Minh vẫn khẳng định: “Bảo tàng ảo, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường... ngày càng trở nên phổ biến. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ cố gắng để theo kịp xu hướng chung của thế giới. Hiện nay, Bảo tàng có kế hoạch chuẩn bị hai cuộc triển lãm nhân kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bảo tàng đã nghĩ đến phương án giới thiệu online hai triển lãm này. Tất nhiên, phiên bản online sẽ không hoàn toàn giống với dự kiến ban đầu. Tôi nghĩ rằng, triển lãm online là cách duy nhất giúp Bảo tàng đưa các tác phẩm nghệ thuật đến được với công chúng trong bối cảnh có dịch Covid-19. Đồng thời, tôi cũng hy vọng các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Bảo tàng trong công cuộc phát huy giá trị di sản mỹ thuật, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.