Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Sức mạnh mềm” sau ngoại giao “pháo hạm”

Đình Hiệp| 28/08/2010 06:13

(HNM) - Cuộc giải cứu xuyên Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter vừa kết thúc sáng 27-8 tại Bình Nhưỡng trong bầu không khí căng thẳng đang bao trùm bán đảo Triều Tiên đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Sứ mệnh của cựu Tổng thống J.Carter về hình thức không khác mấy so với chuyến đi Bình Nhưỡng hồi tháng 8 năm ngoái của cựu Tổng thống Bill Clinton - nhằm giải thoát hai nữ phóng viên Mỹ Laura Ling và Euna Lee bị Triều Tiên cầm giữ vì tội xâm nhập trái phép. Cũng với tư cách cá nhân, cựu Tổng thống (nắm quyền từ năm 1977-1981) - từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 2002 - đã thuyết phục được Triều Tiên trả tự do cho Aijalon Mahli Gomes - công dân Mỹ bị bắt ngày 25-1-2010, do xâm nhập bất hợp pháp lãnh thổ nước này.

Bé gái Triều Tiên chào đón cựu Tổng thống J.Carter tại sân bay Bình Nhưỡng.

Trong bối cảnh Thái Bình Dương vừa dậy sóng sau các cuộc tập trận hải quân Mỹ - Hàn, rõ ràng sứ mệnh của nhà đoạt giải Nobel Hòa bình không chỉ đơn thuần là một cuộc giải cứu mang tính dân sự. Cuộc trở lại Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống J.Carter - người từng nhiều lần đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng - ngoài sứ mệnh nhân đạo còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn. Đó là một thông điệp hòa bình gửi tới bán đảo Triều Tiên nhằm xoa dịu không khí "nóng bỏng" hiện nay.

Bước đi ngoại giao của cựu Tổng thống J.Carter không quá mới lạ trong quan hệ Mỹ - Triều, nhưng được dư luận quốc tế quan tâm, bởi nó diễn ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên không ngừng nóng lên trong tháng 8 này, sau hàng loạt cuộc tập trận chung quy mô lớn kéo dài trên biển của Mỹ và Hàn Quốc cùng những tuyên bố đáp trả cứng rắn của Triều Tiên.

Đến hôm nay, Nhà Trắng vẫn từ chối bình luận về chuyến đi khi khẳng định, Washington không có kế hoạch cử phái viên tới Bình Nhưỡng; nhưng trên thực tế Mỹ vẫn đạt được mục đích khi tìm được tự do cho công dân của họ; đồng thời gặt hái một thành công đối ngoại quan trọng từ một thành viên đảng Dân chủ. Dù không nhận là "sứ giả hòa bình" của Chính phủ Mỹ, nhưng cựu Tổng thống Mỹ J.Carter (85 tuổi) vẫn là một nhân vật có uy tín trên chính trường Mỹ, đặc biệt với đảng Dân chủ cầm quyền mà ông là thành viên. Về phần mình, bằng một cử chỉ khá thân thiện, Triều Tiên một lần nữa cho thế giới thấy sức nặng trong lời nói từ Bình Nhưỡng cả trên khía cạnh nhân đạo lẫn thiện chí hòa bình. Rõ ràng chuyến đi Bình Nhưỡng kéo dài hơn dự định ban đầu một ngày của cựu Tổng thống J.Carter cho thấy "sức mạnh mềm" đã được phát huy sau những hành động ngoại giao "pháo hạm".

Vụ giải cứu xuyên Thái Bình Dương của cựu Tổng thống J.Carter cùng các chuyến thăm ngoại giao con thoi liên quan đến bán đảo Triều Tiên đang diễn ra. Trong đó có cuộc đàm phán giữa Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Trung Quốc Vũ Đại Vĩ với người đồng cấp Hàn Quốc Wi Sung Lac tại Seoul, hay chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong IL cùng con trai... được hy vọng sẽ giúp hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên. Tất cả đang có cơ trở thành hiện thực khi Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong Nam ngày 27-8 khẳng định sẵn sàng nối lại đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ cũng cho biết không loại trừ khả năng tái khởi động tiến trình đầy cam go này vào tháng 9 tới.

Chuyến đi Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống J.Carter kết thúc đã gửi đi tín hiệu cởi mở cho tiến trình đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang bế tắc. Dẫu vậy, đây vẫn chỉ là bước đi nhỏ trên con đường dài. Cựu Tổng thống J.Carter có lý khi mới đây cho rằng, Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân trừ khi Mỹ và Hàn Quốc làm cho Triều Tiên tin rằng, Washington và Seoul không có ý định thù địch nào với Bình Nhưỡng. Điều đó cho thấy, tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên còn phải sải những bước đi dài và thiện chí hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Sức mạnh mềm” sau ngoại giao “pháo hạm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.