(HNM) - Có lẽ lâu lâu rồi mới thấy sự xuất hiện với mật độ dày các bài hát, phim ảnh, video… liên quan đến đề tài biển đảo như những ngày qua.
Hãng phim Tài liệu - Khoa học trung ương "mở kho", trình chiếu những thước phim tài liệu biển đảo kinh điển như "Đầu sóng ngọn gió" (1967), "Trường Sa tháng 4-1988". VTV phát lại nhiều phim tài liệu về biển đảo, như "Biển động"; các kênh truyền hình của VTC, HTV, VTV và kênh phát thanh VOV liên tục phát những bài hát nổi tiếng như "Nơi đảo xa", "Tổ quốc gọi tên mình", "Gần lắm Trường Sa"… Triển lãm tranh, ảnh hướng về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các nghệ sĩ nổi tiếng xuất hiện, tay trong tay hát vang những ca khúc xúc động gợi nhắc tình yêu Tổ quốc. Sinh viên nhiều trường đại học cùng nhau dựng tiết mục văn nghệ khơi dậy niềm tự hào về truyền thống Việt Nam. Trên facebook, văn nghệ biển đảo cũng lan truyền với tốc độ chóng mặt, những ca khúc hay về Trường Sa, Hoàng Sa thậm chí đã được chọn cho nhiều chương trình kỷ niệm thành lập ngành, đơn vị…
Đất nước mấy nghìn năm không mấy khi thoát nỗi lo ngoại xâm. Văn nghệ đã chứng tỏ một tinh thần lạc quan và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt, nâng đỡ biết bao bước chân ra tiền tuyến, làm thổn thức trái tim biết bao thế hệ người Việt Nam. Không ngoa khi nói rằng, thơ ca đã luôn cùng dân tộc trên đường hành quân. Kể từ bài thơ thần trên sông Như Nguyệt cho đến những ca khúc, vần thơ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", văn nghệ đã chứng tỏ sức mạnh của một binh đoàn riêng không gì thay thế nổi.
Giờ đây, khi Biển Đông nổi sóng, thơ ca, nhạc họa, phim ảnh… đồng lòng cất tiếng nói thúc giục tinh thần xả thân vì Tổ quốc, tất yếu là một cách thể hiện ý chí, tinh thần của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh ấy cần được bồi đắp, được khơi dậy, xứng đáng là điểm tựa và là sợi dây kết nối toàn dân tộc cùng nhìn về một hướng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.