(HNM) - Ngày 15-5, hơn 700 công nhân làm việc tại Nhà máy Hongfu ở Thanh Hóa đã phải nhập viện vì ngộ độc nghi do sử dụng nước uống nhiễm độc. Mặc dù không có trường hợp nào bị nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vụ việc này thêm lần gióng lên lời cảnh báo về tình trạng công nhân bị ngộ độc tập thể đang xảy ra khá thường xuyên tại nhiều nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất thời gian qua.
Điều gì đã khiến cho bữa ăn, thức uống của người lao động bỗng nhiên trở thành thứ "hàng độc chết người"? Có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ bản chất nhất là khẩu phần ăn của công nhân ở nhiều nơi quá thấp, thậm chí dưới 10.000 đồng/suất. Đương nhiên với số tiền ít ỏi như thế thì các nhà bếp, các cơ sở cung cấp thực phẩm sẽ phải tìm đủ mọi cách để "cắt" chi phí bằng việc sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, chất lượng không bảo đảm.
Nếu chỉ như vậy thì tăng giá trị bữa ăn lên sẽ giải quyết được vấn đề, nhưng chuyện không đơn giản. Thay đổi được khẩu phần ăn cho công nhân lao động là vấn đề nan giải. Bởi lẽ không có quy định nào buộc doanh nghiệp phải chi cho mỗi bữa ăn bao nhiêu tiền. Nhưng dù gì thì đây cũng vẫn là giải pháp cơ bản nhất, ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát về mặt y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dễ thấy những bữa ăn tập thể của công nhân ở nhiều nơi đang dưới mức an toàn. Nó không chỉ thiếu chất, không bảo đảm dinh dưỡng để người lao động phục hồi năng lượng làm việc, mà còn luôn bị nguy cơ nhiễm độc rình rập. Một con số thống kê gần đây cho thấy, có tới hơn 89% chủ doanh nghiệp ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn, thế nhưng các vụ ngộ độc tập thể vẫn xảy ra, có vụ hàng nghìn người phải nhập viện như hồi cuối năm ngoái tại Tiền Giang. Vì thế, nỗi lo về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn công nhân vẫn là vấn đề "nóng" bởi các bản cam kết kia dường như chỉ có hiệu lực trên giấy.
Đang lúc này đây - tháng 5, lần thứ 3 Tháng công nhân được tổ chức ở quy mô quốc gia, được coi là đợt cao điểm về chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, song thực tế đáng buồn là đời sống công nhân ở nhiều khu công nghiệp thời gian qua vẫn có những xì xào thật sự đắng lòng. Phần đông công nhân ở các khu công nghiệp đang sống tạm bợ, chật chội, bức bối, thiếu thốn đủ thứ từ miếng ăn đến văn hóa. Lương thấp, trong khi giá cả liên tục tăng đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít công nhân nghèo. Họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Có thể chúng ta sẽ khó đạt được ngay mục tiêu cải thiện bữa ăn cho công nhân, nhưng đã đến lúc cần thiết phải hành động vì lợi ích lâu dài của hàng triệu công nhân trên khắp cả nước. Lo bữa ăn cho công nhân cũng chính là lo cho doanh nghiệp, vì sức khỏe của người lao động chính là tài sản của doanh nghiệp.
Để việc này đạt được hiệu quả, đồng thời để Tháng công nhân thực sự thiết thực với người lao động, các nhà quản lý, tổ chức công đoàn cần hướng các hoạt động trong Tháng công nhân vào những mục tiêu cụ thể, sát với lợi ích của người lao động. Thay vì phát động các chủ đề chung chung như "đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp", có thể đặt ra các mục tiêu cụ thể như kiểu phong trào "cơm có thịt" cho học sinh nghèo vùng cao. Tức là đặt ra những mục tiêu cụ thể, vận động, khuyến khích doanh nghiệp và toàn xã hội tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Thực tế qua 3 lần tổ chức Tháng công nhân dường như chúng ta mới chỉ tập trung các hoạt động bề nổi, mang tính phong trào như họp mặt truyền thống, tuyên dương người lao động có thành tích, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao… Những điều ấy cũng cần, nhưng có lẽ nó chưa thực sự gấp gáp bằng việc lo cho bữa ăn hằng ngày của mỗi người công nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.