Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức hút từ nền ẩm thực Việt Nam

Quỳnh Dương| 20/01/2012 07:18

(HNM) - Từ nhiều năm nay, người dân Hà Nội không còn lạ lẫm khi thấy những người nước ngoài xuýt xoa thưởng thức một bát phở sáng hay bát bún ốc nóng hổi, nghi ngút khói nơi góc phố.

Tuy nhiên, viết đến hai cuốn sách về món ăn Việt Nam và muốn định cư tại đây như nữ đầu bếp người Australia Tracey Lister thì chưa mấy người làm thế. Điều này đã gây ấn tượng mạnh cho bất kỳ ai khi biết về người con của xứ sở Chuột túi.

Đến Việt Nam lần đầu vào năm 1994 trong một chuyến du lịch, Tracey Lister đã ngay lập tức bị cuốn hút bởi một đất nước năng động với những con người cởi mở, thân thiện và chăm chỉ. Điều mà bà ấn tượng đến tận bây giờ là, tuy sự thay đổi của Việt Nam có thể thấy được hằng ngày, thậm chí hằng giờ, song vẫn không làm mất đi những nét thảnh thơi luôn hiện hữu ngay ở cả những nơi sôi động như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo Tracey Lister, "tiếng gọi" có sức lôi cuốn mãnh liệt nhất khiến bà lập kế hoạch định cư lâu dài tại nơi đây chính là sự đặc sắc, đa dạng trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Sự hấp dẫn của các món ăn Việt nằm ở nguyên liệu, chủ yếu là các loại rau, củ, quả, hạt, không quá nhiều thịt như món Âu, ít dầu mỡ hơn các món Trung Quốc, ít cay hơn đồ ăn Thái Lan. Quan trọng hơn cả là các món nhiều rau xanh, dễ trang trí, kết hợp gia vị hài hòa và có nước chấm riêng rất đặc trưng. Mỗi miền, mỗi vùng quê đều có món ăn đặc sản, độc đáo, hấp dẫn. Đặc biệt, rất nhiều nguyên liệu, gia vị món ăn của Việt Nam là cây thuốc chữa bệnh. "Tôi thích các món ăn Việt Nam, nói chuyện về nó và lang thang tại các khu chợ địa phương". Tracey Lister cho rằng "khám phá thói quen ăn uống và ẩm thực truyền thống là một cách tuyệt vời để có được sự hiểu biết về nơi bạn đến". Vì thế, bà đã đi khắp dải đất hình chữ S để thưởng thức và chế biến các món ăn "nhẹ nhàng, tao nhã và có mùi vị thơm ngon rất riêng biệt".

Năm 2000, Tracey Lister và chồng là Andreas Pohl đã bắt đầu cuộc sống mới tại Hà Nội với tư cách là giáo viên dạy nấu ăn tại một trung tâm dạy nghề cho trẻ em đường phố, gọi là Trung tâm KOTO. Quyết định gắn bó và thực sự bắt đầu chuyến song hành cùng ẩm thực Việt Nam được Tracey và Andreas đưa ra vào năm 2008 bằng cuốn sách dạy nấu ăn đầu tiên "KOTO: Hành trình ẩm thực xuyên Việt". Cuốn sách là một bộ sưu tập hơn 80 công thức nấu ăn do Tracey và Andreas dày công tập hợp, sắp xếp theo vùng miền, xen lẫn những câu chuyện văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Theo Tracey, các món ăn Việt Nam cho người ta cái nhìn mới về văn hóa ẩm thực. Bà cho biết, đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm đầu bếp tại các nhà hàng tại Melbourne và những khu ăn uống nổi tiếng, nhưng thực sự "chưa bao giờ tôi lại thấy trứng luộc ngon như lần uống bia với trứng chim cút luộc chấm muối ớt tại một quán vỉa hè ở TP Hồ Chí Minh.

Ẩm thực đường phố đúng là một nét vô cùng độc đáo của Việt Nam, là "một cái thú tuyệt vời". Với Tracey, thức ăn đường phố là một nét văn hóa dân tộc của Việt Nam. Theo bà, đến Việt Nam sẽ kém phần thú vị nếu không nếm qua thức ăn đường phố như phở bò, chả giò, xôi nếp, bánh cuốn... Và cuốn sách "Ẩm thực đường phố Việt Nam" đã ra đời vào tháng 9-2011 với tất cả vẻ sống động của một nét sinh hoạt đường phố khó nhầm lẫn với bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tracey cho rằng, những cuốn sách về món ăn Việt Nam được xuất bản tại Australia không chỉ giúp thế giới hiểu hơn về văn hóa Việt mà còn giúp người nước ngoài đến gần hơn với ẩm thực Việt Nam.

Những lắng đọng khó quên về đất nước mà nữ đầu bếp người Australia này coi như quê hương thứ hai không chỉ dừng lại ở các món ăn mà còn là cảm nhận gần gũi, đầm ấm, ngập tràn không khí gia đình của Tết cổ truyền Việt Nam. Tracey đang háo hức chuẩn bị đón năm mới và cho biết, bà đặc biệt thích vẻ mặt hớn hở của mọi người khi đi chợ Tết. "Những món ăn truyền thống của Việt Nam cũng rất ngon, nhất là bánh chưng và nem".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức hút từ nền ẩm thực Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.