LTS: Những năm gần đây, Hà Nội liên tiếp được các giải thưởng uy tín lựa chọn, vinh danh là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên bản đồ du lịch thế giới. Sức hấp dẫn ấy của Hà Nội đến từ đâu? Từ những hồ nước trong lòng thành phố, nền ẩm thực ẩn chứa tinh hoa, lối kiến trúc hài hòa trong sự đa dạng hay từ mỗi người dân thân thiện, hiền hòa - sứ giả văn hóa của thành phố? Với loạt bài “Sức hấp dẫn mang tên Hà Nội”, Báo Hànộimới cùng bạn đọc tìm hiểu và lý giải về “lực hấp dẫn” này.
Hồ Hoàn Kiếm - “lẵng hoa” giữa lòng thành phố. Hồ Tây - không gian lãng mạn, ăm ắp truyền kỳ... Hà Nội với đặc trưng thành phố trong sông, sở hữu nhiều hồ nước, trong đó mỗi hồ là một không gian xanh, một không gian văn hóa - lịch sử với sức hấp dẫn riêng có... Và như một số nhà văn thường nói, hồ nước ở Hà Nội là “nét thơ” trong lòng thành phố!
Sức hấp dẫn từ trầm tích lịch sử
Các quán ven hồ Hoàn Kiếm từ lâu là điểm đến quen thuộc của cánh nhà văn, nhà báo. Họ tới đây chủ yếu là hưởng không gian, thả hồn với phố, với hồ, với những câu chuyện nhiều khi có đầu mà chưa có cuối về Hà Nội.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ từng nhận xét: “Tụ thủy là tụ nhân”, Hà Nội là đất trong sông, nơi phù sa bồi lắng, hình thành những hồ nước tự nhiên như một phần cấu trúc không gian của kinh thành nghìn năm văn hiến.
“Cũng vì thế, mỗi hồ nước đều ẩn chứa những câu chuyện truyền kỳ, những dấu ấn văn hóa mà mỗi người có thể khám phá theo cách của riêng mình”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ chiêm nghiệm.
Đơn cử như hồ Hoàn Kiếm với rất nhiều tên gọi: Lục Thủy, Tả Vọng, Hữu Vọng, Thủy Quân… Trong đó, mỗi cái tên lại gắn với một giai thoại khác nhau về đất kinh thành, mà truyền thuyết trả gươm báu của rùa thần rất đỗi quen thuộc với người Việt, là một ví dụ. Trải qua bao biến thiên lịch sử, lớp lớp đền đài xưa quanh hồ, giờ dấu tích không còn nhiều, nhưng vẫn đủ để khơi gợi đam mê tìm tòi ở những người yêu văn hóa, để từ đó từng lớp trầm tích lịch sử được hé lộ.
Trong lặng thầm riêng có của không gian lịch sử đền Ngọc Sơn, không phải ai cũng biết, cùng với Đức thánh Trần Hưng Đạo, nơi đây còn thờ Văn Xương Đế Quân - ngôi sao chủ việc văn chương, khoa cử. Cạnh đó là Đài Nghiên, Tháp Bút khắc chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh) như một cách thể hiện khí phách của sĩ phu Bắc Hà. Chếch sang một chút là đền Bà Kiệu (Thiên Tiên điện), thờ ba vị nữ thần: Liễu Hạnh, Quỳnh Hoa và Quế Nương. Bên hồ còn có một ngôi tháp nhỏ tên gọi Hòa Phong, là phần còn lại của chùa Báo Ân - ngôi chùa bề thế bậc nhất của Thăng Long ngày trước.
Khác với vẻ đẹp cổ kính của hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây (còn có tên Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm…) lại là “một không gian lãng mạn của những cung bậc tâm hồn”, như giới văn chương thường nói. Xét về trầm tích lịch sử, hồ Tây cũng là nơi ẩn chứa những huyền tích ngàn đời của đất Thăng Long.
Tương truyền, hồ là một đoạn sông Hồng trước khi đổi dòng, nơi có truyền thuyết Đức Lý Thái Tổ đi thuyền trên sông (đoạn phủ Tây Hồ ngày nay), thấy rồng vàng cuộn sóng bay lên, mới đặt tên cho kinh thành là Thăng Long. Hồ là “Danh thắng đệ nhất kinh kỳ” trải suốt bao đời Lý, Trần, Lê…, nơi vua chúa thưởng ngoạn, văn sĩ đề thơ. Hiện nay, khu vực hồ có hơn 20 đình, đền, chùa được xếp hạng - một quần thể di tích lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc đồ sộ.
Khu vực ngoại thành Hà Nội cũng có nhiều hồ nước, trong đó mỗi hồ lại có một sức hấp dẫn khác nhau. Hồ Đồng Mô dưới chân núi Ba Vì, tương truyền là nơi diễn ra trận đại thủy chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, gắn với giai thoại Hùng Vương kén rể. Hồ Quan Sơn ở huyện Mỹ Đức từ lâu đã được mệnh danh là “Hạ Long của Hà Nội”, nơi sở hữu một không gian thiên nhiên thuần khiết và thơ mộng…
Tất cả mang đến cho Hà Nội những khoảng lặng nên thơ giữa bao sôi động, hối hả của nhịp sống đô thị, đồng thời là nơi phản chiếu vẻ đẹp văn hóa, lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Giáo sư Toshikazu Omori, cựu giảng viên Đại học Nihon (Nhật Bản), người rất yêu văn hóa Hà Nội, nhận xét: "Hồ nước ở Hà Nội là những bảo tàng văn hóa, thiên nhiên, lịch sử, nơi không chỉ mang vẻ đẹp đặc biệt từ hệ sinh thái mà còn từ những câu chuyện truyền kỳ xưa cũ về người và đất Thăng Long. Tôi tin, bất kỳ ai có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu về những điều này, đều khó có thể cưỡng lại sức hấp dẫn rất riêng đó".
Khai thác giá trị không gian hồ
Cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu, hồ nước ở Hà Nội còn góp phần rất lớn vào việc cải thiện điều kiện khí hậu, cân bằng hệ sinh thái cũng như tạo dựng cảnh quan phong phú, hấp dẫn, nơi mỗi người tìm thấy cho mình một giá trị riêng, một không gian phù hợp để nhớ, để yêu.
Anh Trần Quốc Đạt (phố Nguyễn Thái Học, quận Đống Đa), kể: "Bố mẹ tôi đã có nhiều năm định cư ở nước ngoài, song mỗi khi về nước, vẫn giữ thói quen là đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm mỗi sáng. Họ nói: “Chỉ cần ngồi bên ghế đá, nhìn những con sóng lăn tăn, ngắm cầu Thê Húc “cong cong như một nét lông mày”, là đủ thấy thư thái, yên bình".
Dù ít ai còn thấy “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”, nhưng ở hồ Tây “màu sương thương nhớ” vẫn huyền ảo. Không gian hồ Tây giờ có thêm nhiều điều lý thú khác để khám phá, như: Thung lũng hoa, đầm sen, công viên nước, “bến Hàn Quốc”…
Lê Phương Linh, cựu du học sinh tại Mỹ, nhận xét: “Hồ Tây có vô vàn điểm đến để trải nghiệm, mà nơi nào cũng cuốn hút. Khi có bạn nước ngoài tới chơi, em chỉ cần đưa đi thăm không gian này là đã có vô vàn chuyện lý thú để kể về Hà Nội”.
Như Flight network - Công ty du lịch trực tuyến hàng đầu ở Canada vừa nhận xét, khi đưa Hà Nội vào tốp 50 thành phố đẹp nhất thế giới: “Hà Nội là một trong số ít những thành phố thực sự đẹp ở Đông Nam Á với hồ nước quyến rũ, nơi người dân địa phương tập Thái cực quyền và tận hưởng môi trường xung quanh”, hồ nước ở Hà Nội là những lá phổi xanh khổng lồ, những công viên sinh thái, không gian lịch sử, văn hóa giàu sức cuốn hút, được thành phố chú trọng giữ gìn, khai thác giá trị.
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận hiện đã thực sự trở thành một trung tâm giao lưu văn hóa, nghệ thuật. Không gian hồ Tây sau quy hoạch, mang dáng dấp một công viên văn hóa, du lịch với những khu đô thị, khu nghỉ dưỡng hiện đại. Hồ Đồng Mô, sau nhiều nỗ lực đánh thức tiềm năng, trở thành một phần không thể tách rời của Khu du lịch Đồng Mô, kết hợp với không gian Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam gần đó. Hồ Quan Sơn cũng rõ hình hài một khu du lịch mang đậm bản sắc văn hóa, và trong tương lai sẽ mở rộng với hàng loạt dự án vườn sinh học, vườn bách thú, khu vui chơi các môn thể thao dưới nước. Các hồ Thiền Quang, Bảy Mẫu, Ngọc Khánh, Giảng Võ… đã và đang được cải tạo không gian cây xanh, mặt nước, từng bước bồi đắp những giá trị mới, tạo sức hấp dẫn mới.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.