Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân phù hợp với thực tế

Hương Thủy| 23/03/2022 09:44

(HNMO) - Luật Thuế thu nhập cá nhân trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, cụ thể như mức giảm trừ gia cảnh quá thấp so với mức chi tiêu, nhiều bậc thuế và sắc thuế cao so với thu nhập... Vì vậy, giới chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất, trong đó có nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 20 triệu đồng.

Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay được cho là quá thấp. Ảnh minh họa

Mức giảm trừ gia cảnh quá thấp

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong đó đánh giá theo từng nhóm vấn đề, gồm đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế, phương pháp xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh... Đây là điều mà người dân đang rất quan tâm.

Trên thực tế, theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)…, số còn lại là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN. Cách tính thuế TNCN đối với tiền lương, tiền công theo biểu lũy tiến từng phần 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có một thuế suất tương ứng. Trong đó, thấp nhất là bậc 1 với thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng/tháng, thuế suất là 5%; cao nhất là bậc 7 với thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng/tháng, thuế suất ở mức 35%.

Từ tháng 7-2020, mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế được điều chỉnh tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng, song mức trên đã được xem là lạc hậu khi nền kinh tế không ngừng tăng trưởng, giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao khiến người nộp thuế phải tốn nhiều chi phí để trang trải cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Hoa (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho biết, mức phụ thuộc là 4,4 triệu đồng mỗi người một tháng không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản, bởi mức chi tiêu của người phụ thuộc không quá khác biệt so với người nộp thuế trong cùng gia đình.

“Gia đình tôi một mẹ một con, thu nhập của tôi 18 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, chi phí cho con gái hơn 1 tuổi không dưới 6 triệu đồng, trong khi tôi phải trả nhà trả góp 7 triệu đồng/tháng. Đủ thứ phải chi tiêu, từ tiền ăn, bỉm, sữa cho con, giúp việc theo giờ, trả nợ ngân hàng, chưa kể lúc con ốm đau… nên tôi luôn phải tính toán chi li, nhưng đến cuối tháng cũng không để ra được đồng nào. Mỗi tháng, sau khi trừ tiền nộp bảo hiểm bắt buộc, giảm trừ gia cảnh, tôi vẫn phải đóng thuế thu nhập”, chị Hoa nói.

Cùng với đó, biểu thuế suất quá dày với các bước thuế ngắn gây áp lực không nhỏ cho người nộp thuế, bởi thu nhập vừa mới nhích lên đã rơi vào bậc thuế cao hơn. Anh Nguyễn Huy Hoàng (phường Vĩnh Hoàng, quận Hoàng Mai), làm tại một doanh nghiệp chia sẻ: "Trước đây, tiền thu nhập cá nhân của tôi phải đóng ở bậc 1 nhưng vừa qua được tăng lương mức đóng thuế bậc 2. Nhiều người nói rằng có thu nhập đóng thuế là hạnh phúc rồi, nhưng họ đâu có hiểu tôi phải làm việc vất vả như thế nào, ngày làm hơn 10 giờ, có tuần phải làm cả thứ bảy và chủ nhật trong khi sinh hoạt hằng ngày đủ thứ phải chi".

Đề xuất mức giảm trừ gia cảnh lên 20 triệu đồng

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Luật Thuế TNCN hiện nay có một số bất cập, đó là mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc không bảo đảm cuộc sống của người dân sinh sống ở các thành phố lớn với nhiều khoản phải chi tiêu. Vì vậy, nên nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 15-20 triệu đồng. Cùng với đó, mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng nâng theo.

Bên cạnh đó, có nhiều bậc thuế và mức thuế suất cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân, đặc biệt là mức thuế 35%. Trong khi doanh nghiệp được ưu đãi về thuế thì thuế TNCN với người làm công ăn lương vẫn giữ nguyên. Vì vậy, vị chuyên gia này đề xuất chỉ nên để 4 bậc thuế là 5%, 10%, 20% và 30%. Mức chịu thuế suất 5% áp cho phần chịu thuế 15-20 triệu đồng thay vì đến 5 triệu đồng như hiện nay; mức thuế suất 10% áp cho phần thu nhập chịu thuế 20-40 triệu đồng.

Đồng quan điểm, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, nên giãn các bậc chịu thuế sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế, bởi người có thu nhập 15 triệu đồng và 25 triệu đồng mỗi tháng không có quá nhiều sự khác biệt trong hoạt động tiêu dùng.

Theo quy định, việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh chỉ được thực hiện khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lũy kế qua các năm tăng 20%. Chuyên gia này cho rằng, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng nhiều so với trước, chẳng hạn năm 2019 là khoảng 3.000 USD, tăng 36% so với năm 2013. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào mức tăng CPI để điều chỉnh ngưỡng chịu thuế là không phù hợp. Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không nên chỉ dựa vào CPI mà cần phải dựa cả vào mức tăng thu nhập của người dân, bởi thuế TNCN áp vào người có thu nhập cao, chứ không phải áp vào đại đa số người dân có thu nhập trung bình.

Bên cạnh đó, ông Đinh Tuấn Minh cũng nhìn nhận, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không phản ánh được sự cải thiện về mức sống của người dân. Khi sửa đổi Luật cần có cái nhìn dài hạn trong 10-15 năm tới với mức thu nhập trung bình ở ngưỡng 5.000-6.000 USD nhằm tránh Luật vừa được ban hành một thời gian ngắn đã trở nên lỗi thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân phù hợp với thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.