(HNMO) - Sáng 28/5, thảo luận ở tổ về Dự thảo dự Luật doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu các đại biểu cơ bản tán thành với quan điểm, mục tiêu sửa đổi luật và cho rằng, việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm tạo được bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đồng thời, việc sửa luật cũng giúp khắc phục những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên cần có những quy định chặt chẽ trong việc quản lý, kiểm soát, để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để trục lợi.
“Việc sửa đổi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có vốn FDI là cần thiết, tuy nhiên, cần coi đây là một dịp rà soát để loại những doanh nghiệp yếu kém, có quy định cụ thể để tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm đầy đủ trách nhiệm với Việt Nam như không trốn thuế, đảm bảo tốt công tác môi trường”, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) nói.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cũng nhất trí với quan điểm là cần phải có những điều kiện nhất định đối với các doanh nghiệp FDI. Bởi các luật có từ trước cũng đã mở đường cho các doanh nghiệp nước ngoài được hoạt động theo luật cũ hoặc đăng ký lại theo luật mới, nhưng nhiều doanh nghiệp không làm.
“Ta thu hút đầu tư bằng chính sách, chiến lược và thu hút những doanh nghiệp phát triển bền vững chứ không phải thu hút bằng mọi giá. Ở các doanh nghiệp nước ngoài, hiện tượng chuyển giá gần như tối đa nhưng ta không xử lý được hết. Vì vậy, sửa Luật để vớt những doanh nghiệp năng lực có hạn nhưng vẫn mong muốn đầu tư, tự giác tuân thủ, chấp hành tốt, còn không thì kiên quyết cho doanh nghiệp giải thể”, đại biểu Bình nói.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cũng nhận xét, nếu dự thảo Luật được thông qua tại kỳ họp này, đây có lẽ là việc Quốc hội sửa nhanh một thủ tục mà không kéo dài quá trình xử lý như trước đây.
Theo phân tích của đại biểu Lịch, việc sửa đổi những bất cập trong việc đăng ký lại thời gian hoạt động cho doanh nghiệp là hợp lý. Bởi những vướng mắc về thủ tục đăng ký lại đã khiến gần 3.000 doanh nghiệp FDI có nguy cơ phải ngừng hoạt động tại Việt Nam khi chúng ta thay đổi luật pháp từ Luật đầu tư sang Luật Doanh nghiệp.
Đáng chú ý, về bố cục của dự thảo luật, một số ý kiến đề nghị nên giữ nguyên kết cấu như luật hiện hành, không bổ sung chương mới quy định về doanh nghiệp Nhà nước để tránh việc hiểu phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, dễ hiểu lầm đây là một loại hình khác của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tán thành với việc quy định chương riêng về quản lý Nhà nước, trong đó đưa ra cơ chế quản lý doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước để kiểm soát, chống tham nhũng tốt hơn.
Nội dung liên quan đến doanh nghiệp xã hội trong dự thảo luật cũng nhận được sự ủng hộ của các đại biểu, bởi nó phản ánh đúng thực tế về sự tồn tại của các doanh nghiệp ở nước ta, khuyến khích các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu xã hội, môi trường. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định rõ về cơ cấu tổ chức hay mô hình của loại hình doanh nghiệp này, điểm khác biệt giữa doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp thông thường… Đặc biệt, dự thảo cần làm rõ cơ chế bảo đảm “51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký” cũng như chế tài đối với các doanh nghiệp xã hội khi không bảo đảm bảo việc thực hiện quy định này.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công chứng (sửa đổi).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.