Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự trở lại của văn học Nga

Đỗ Hiền| 09/08/2016 07:06

(HNM) - Văn học Nga là nền văn học lớn của thế giới, với thời kỳ vàng son vào thế kỷ XIX. Nhiều tác phẩm kinh điển và đương đại của văn học Nga đã, đang trở lại với bạn đọc Việt Nam qua dự án xuất bản được thực hiện dưới sự bảo trợ của Tổng thống Nga V.Putin, trong đó, mới nhất là 3 tác phẩm “Con bạc”, “Khu rừng”, “Truyện biển”.

Văn học Nga có nhiều tên tuổi lớn như Pushkin, Tolstoy, Dostoievsky, Gogol, Chekhov…, được nhiều thế hệ độc giả Việt Nam yêu thích. Từ năm 2012, Tổng thống Nga V.Putin đưa ra ý tưởng về việc dịch và phát hành đồng bộ những tác phẩm văn học kinh điển Nga ra tiếng Việt. Ý tưởng đó được hiện thực hóa nhờ sự phối hợp giữa Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga. Từ đó đến nay, hơn 20 đầu sách đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản. Các đầu sách thuộc dự án đều là những tác phẩm kinh điển, tiểu thuyết của tác giả đoạt giải Nobel Văn chương hay tác giả đương đại nổi bật của Nga. Sau thời gian triển khai, mới đây, nhóm thực hiện dự án đã có những trao đổi về quá trình đem đến những tác phẩm đáng mong đợi này.

Mỗi tác phẩm đều được các đơn vị như Bộ VH,TT&DL (Việt Nam), Ủy ban Xuất bản Nga, Viện Đông Nam Á (Viễn Đông) của Đại học Lomonosov (Nga) tư vấn lựa chọn. Mỗi đầu sách được in 1.000 bản với chất liệu giấy cao cấp, trình bày đẹp mắt. Sau đó, được tặng cho hệ thống thư viện và bạn đọc.

Dịch giả Hoàng Thúy Toàn, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga, đánh giá: “Dự án này hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của bạn đọc Việt, nhất là những người đã từng gắn bó với nước Nga”. Theo dịch giả Thúy Toàn, sở dĩ văn học Nga được độc giả Việt Nam và khắp thế giới yêu thích là bởi các tác phẩm luôn mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Ở thời đại nào, chúng cũng vẫn có giá trị.

Song, việc triển khai thực hiện để những cuốn sách đến với độc giả Việt Nam không hề đơn giản. Dịch giả Thúy Toàn cho biết: “Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga chỉ có 5 người. Tôi đã 80 tuổi rồi, người giúp tôi là anh Lê Đức Mẫn cũng gần 80. Phải say mê và tâm huyết lắm, chúng tôi mới đi đến ngày hôm nay”. Khó khăn tiếp theo là việc tìm được dịch giả ưng ý. Hiện tại, có những dịch giả như Vũ Thế Khôi, Võ Minh Phú… tham gia, nhưng nói như Chủ tịch Quỹ Quảng bá văn học Việt - Nga thì đều là những người tuổi cao, khó có thể làm việc với cường độ lớn. Lớp trẻ có vài nhân tố tốt, như dịch giả Thụy Anh, Kim Hiền, nhưng vẫn thiếu nhân lực. Không hiếm người giỏi tiếng Nga, nhưng tìm được người phù hợp và thu hút họ tham gia dịch thuật thì rất khó. Nhóm thực hiện dự án đã vượt qua nhiều trở ngại để làm cây cầu nối văn học Nga - Việt. Nói như bà Natalia Shafinskaya, Quyền Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, thì họ đã lao động miệt mài và đầy gian khổ. Bởi vậy, các cuốn sách vẫn tiếp tục đến tay bạn đọc.

Trở lại với 3 cuốn sách mới ra mắt vào mùa hè này. Đây đều là những tác phẩm kinh điển của văn học Nga và lần đầu tiên được dịch sang tiếng Việt. Các tác phẩm của Dostoievsky đã từng được dịch và phổ biến tại Việt Nam, nhưng còn lẻ tẻ. Ở dự án này, trọn bộ tuyển 10 tập tác phẩm của ông được dịch và xuất bản, trong đó, “Con bạc” là tập thứ 9. Cuốn “Khu rừng” là một tuyển tập 4 vở kịch đặc sắc của nhà soạn kịch kinh điển Nga Ostrovski. Còn “Truyện biển” là tập truyện ngắn về biển của nhà văn dân chủ Nga thế kỷ XIX K.Staniukovich. Ông là người có duyên nợ với Việt Nam, đã tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1863 và ở đó trong 3 tháng. Phần cuối cuốn sách có in bút ký “Người Pháp ở Cocochine Saigon”, là những tư liệu về vùng Nam Bộ ở thời điểm đó.

Ông Sergey Olegovich Chumakovsky, đại diện đơn vị tài trợ dự án, cho biết: Dự án sẽ không chỉ dừng lại ở xuất bản sách in, mà còn mở rộng quảng bá bằng các hình thức khác như phát hành sách điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự trở lại của văn học Nga

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.