Góc nhìn

Sự thật nhưng không mất lòng

Hà Vũ 26/11/2023 14:15

Tạp chí du lịch Mỹ Fodor’s Travel vừa xếp vịnh Hạ Long của Việt Nam vào nhóm “No list” năm 2024 với khuyến nghị du khách nên xem xét lại nếu muốn ghé thăm, để bảo tồn điểm đến.

Tin này khiến không ít người nghi ngờ độ chính xác, có người nói “chiêu trò cả thôi”. Nhưng nhiều người bình tĩnh suy xét, đọc kỹ diễn giải của Fodor’s Travel thì thấy có vẻ rất hợp lý. “No list 2024” được Fodor's Travel xét theo các tiêu chí chính gây ảnh hưởng đến du lịch, gồm: Quá tải khách, tạo rác thải, chất lượng và nguồn nước; vịnh Hạ Long rơi vào tiêu chí “tạo rác thải”.

Cùng với vịnh Hạ Long, còn 8 điểm đến nổi tiếng khác trong danh sách này, có cả Venice của Italia. Theo tạp chí Fodor's Travel, số lượng khách đến vịnh Hạ Long năm 2022 là hơn 7 triệu lượt và dự kiến đạt khoảng 8,5 triệu lượt trong năm nay. Chuyên gia của Fodor's Travel chỉ ra rằng, các hoạt động như đi thuyền du lịch ngắm cảnh và cộng đồng ngư dân ngày càng phát triển đang góp phần tạo ra rác thải, dầu diesel trong nước. Ở nhiều thời điểm, du khách thấy chai nước, túi nhựa, cốc xốp và rác thải trôi nổi trên mặt vịnh...

Những thông tin trên hoàn toàn trùng khớp với thực tại đang diễn ra tại vịnh Hạ Long. Trên thực tế, vấn đề ô nhiễm môi trường vịnh Hạ Long đã được đặt ra từ nhiều năm trước và ngày càng đáng lo ngại hơn. Nếu trước đây, báo chí viết về ô nhiễm môi trường vịnh Hạ Long chỉ nhẹ nhàng kiểu “Cần sự vào cuộc từ nhiều phía”, thì nay, nào là “Vịnh Hạ Long đang bị đe dọa bởi khủng hoảng ô nhiễm nhựa”, rồi “Khách du lịch bức xúc vì hàng tấn rác trôi nổi”, hay “Vịnh Hạ Long bị rác thải bao vây”...

Thế mới biết, vấn đề ô nhiễm môi trường ở vịnh Hạ Long không còn là chuyện nhỏ nữa, từ thực tế nhức nhối ở địa phương đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, “kinh động” cả bạn bè thế giới.

Vịnh Hạ Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1994. Với khoảng 1.600 hòn lớn nhỏ cùng vẻ đẹp độc đáo, vịnh Hạ Long được coi là “báu vật”, “ngoại hạng”, “có một không hai”... Chính bởi giá trị và sức hấp dẫn đặc biệt, vịnh Hạ Long ngày càng được nhiều người ghé thăm. Nhưng giống như đồng xu, mọi thứ đều hai mặt của nó, ô nhiễm môi trường là mặt trái của vịnh Hạ Long.

Tình trạng khách du lịch đến Hạ Long ngày càng tăng là điều rất đáng tự hào, giống như nhà có cô con gái xinh đẹp được nhiều chàng trai khắp nơi theo đuổi. Thế nhưng, khách đến quá đông, trong khi khả năng quản lý, đáp ứng hạ tầng không tương xứng, nếu không sớm có giải pháp thì ô nhiễm môi trường "mãn tính" không khéo sẽ “di căn”.

Điều kiện thuận lợi là chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý, đường hướng để xử lý vấn đề này nếu dựa vào đòi hỏi phát triển du lịch bền vững trong Luật Du lịch, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Thế nhưng, vấn đề ở đây là nói thì dễ mà giải quyết thì rất vướng, lý thuyết thì hay mà hành động thì khó trăm bề, khó nhất là đưa ra lựa chọn. Chúng ta vừa muốn tăng trưởng du lịch thật cao, khách đến thật đông, nhưng lại muốn môi trường sạch, trong khi đầu tư có hạn, hạ tầng, con người dịch vụ “thiếu đủ thứ” thì thật khập khiễng. Đây là bài toán hóc búa không chỉ với tỉnh Quảng Ninh, mà còn ở hầu hết các địa phương có thế mạnh về du lịch, nhất là đang tăng trưởng “nóng” trở lại sau đại dịch Covid-19.

Trong trường hợp này, để có lời giải phù hợp cho phát triển du lịch bền vững, có lẽ phải cùng lắng lại, cân nhắc giống như câu chuyện nhân sinh của mỗi người chúng ta. Khi còn trẻ thì bán sức khỏe để có tiền, nhưng đến khi có tiền thì chưa chắc đã mua được sức khỏe. Dẫu biết vậy, nhiều người vẫn sẵn sàng chấp nhận những giai đoạn “quá độ” nhất định. Sau đó có người may mắn thì vượt qua, đạt được cuộc sống sung túc, thịnh vượng. Nhưng cũng có người không được như ý, lúc ấy hối hận thì đã muộn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự thật nhưng không mất lòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.