(HNM) - Sự kiện anh chàng đẹp trai người Ả rập đến Việt Nam đã gây một
Trước đó, từ khi mẩu tin về anh chàng "bị trục xuất vì quá đẹp trai" xuất hiện trên các mạng xã hội đã khiến cho rất nhiều bạn trẻ xốn xang, rồi thông tin anh này sẽ sang Việt Nam càng khiến cho nhiều "fan" nữ phát sốt, nóng lòng chờ đợi. Thế nhưng, sau những háo hức đợi chờ thì nhiều bạn trẻ và cả những nhà báo đã từng tung hê sự kiện này, cuối cùng lại phải chưng hửng, thất vọng khi sự thật không được "đẹp" như tưởng tượng. "Trai đẹp" kia thực chất cũng không đến mức làm siêu lòng mọi cô gái và quan trọng hơn là ý nghĩa cuộc viếng thăm của "trai đẹp" cũng không được như dư luận mong đợi.
Phải thừa nhận là doanh nghiệp tổ chức sự kiện đã biết cách tận dụng tốt nhất sự tò mò của giới trẻ. Một anh chàng không có gì đặc biệt, nhưng đã được nhà tổ chức "bơm" lên bằng những thông tin mập mờ làm cho không ít người hiếu kỳ phát cuồng. Nhà tổ chức cũng khéo léo nâng tầm sự kiện bằng việc gắn nó với những mục đích rất "đẹp" là "kết nối ước mơ", là hoạt động từ thiện… Nhưng kết quả thì sao? Kết nối đâu chưa thấy, mà ngay trong hoạt động đầu tiên là chương trình bán đấu giá làm từ thiện cũng đã không đạt mục đích. Có cảm giác như cuộc đấu giá chỉ được tổ chức cho có, với vài món đồ mà dường như chẳng ai muốn mua.
Hẳn mọi người còn nhớ cách đây chưa lâu sự kiện chàng trai không chân tay người Australia Nick Vujicic được mời đến Việt Nam cũng gây sốt trong giới trẻ. Nhưng sự kiện đó đã đạt được những ý nghĩa khác. Đó là một chàng Nick đặc biệt, một con người đầy nghị lực đã vượt lên những khiếm khuyết của cơ thể để tự tin trong cuộc sống. Nick đến Việt Nam và đã truyền cho giới trẻ Việt Nam những cảm hứng về nghị lực sống, về sự vươn lên và cả sự biết cảm thông chia sẻ.
Điều ấy hoàn toàn khác với một sự kiện mà đối với xã hội là vô bổ, còn về ý nghĩa thì bằng không, nếu không muốn nói là nhảm nhí. Trong lúc, thế hệ trẻ, thanh niên Việt Nam đang cần được tiếp thêm những nhiệt huyết, bồi đắp những lý tưởng sống tốt đẹp, sống trách nhiệm, có ích cho cộng đồng, cho xã hội và đất nước, thì những cổ súy cho lối sống hời hợt, sự cuồng nhiệt thái quá với những giá trị hư ảo thật khó chấp nhận.
Xem ra, với một loạt những sự kiện giới trẻ phát cuồng vì thần tượng, vì những người mẫu này, ca sĩ kia hay một loạt những cuộc rùm beng trong dư luận đã có một sự tiếp tay đáng kể của báo chí, mà có người đã gọi đó là sự thất bại của truyền thông. Việc truyền thông thiếu chọn lọc đã vô tình nuôi dưỡng những suy nghĩ, hành động lệch chuẩn trong giới trẻ. Thật buồn mỗi khi dư luận xuất hiện một đoạn clip riêng tư nhạy cảm, những cảnh đánh lộn trong học đường hay một vụ việc scandal lại được giới trẻ hào hứng đón nhận, tạo ra những cơn sốt nọ, phong trào kia, trong khi những thông tin về các gương mặt học sinh giỏi vượt khó, những sinh viên sẵn sàng tạm gác lại việc học hành để lên đường nhập ngũ, những con người sẵn sàng lao vào hiểm nguy để giành giật mạng sống cho người khác thì hầu như chỉ chiếm một góc nhỏ trên các báo…
Mỗi con người trong đời sống vẫn luôn hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Chúng ta trân trọng cái đẹp, nhưng đó phải là cái đẹp hài hòa cả hình thức và trí tuệ, nhân văn. Yêu cái đẹp là biết nâng niu giá trị của cái đẹp, chứ không phải là cuồng si nhất thời, thái quá. Mong sao, các nhà tổ chức, các cơ quan truyền thông hãy thận trọng cân nhắc trước mỗi sự kiện. Đừng hạ thấp giá trị của chữ "đẹp", giá trị của chân - thiện - mỹ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.