(HNM) - Câu chuyện về mức cát sê 6.000 USD của ca sĩ Mỹ Tâm trong chương trình văn nghệ phục vụ Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - 2013 một lần nữa lại gây phản ứng khác nhau trong những ngày qua.
Người thì nói, mức giá đó còn thấp so với thực tế; ca sĩ bộc bạch rằng mình chưa ký hợp đồng chính thức; "bầu sô" thì phủ nhận thông tin giá trị hợp đồng... Thậm chí, có người còn "mạnh miệng" rằng mức giá đó là "hát miễn phí", bởi phục vụ ca sĩ hát còn cả một ê kíp hàng chục người khác vất vả theo sau... Thôi thì "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay", nhưng chừng ấy cũng đủ để người ngoài cuộc hình dung phần nào về thu nhập và hình ảnh của một bộ phận ca sĩ thuộc hàng "sao" hoặc "sao tự phong" hiện nay.
Vài năm trở lại đây, khán giả dường như quá tải với các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc nở rộ trên sóng truyền hình từ cấp trung ương đến địa phương, dành cho đủ mọi lứa tuổi, từ mẫu giáo cho đến lứa trung niên. Sự cởi mở ấy tạo điều kiện cho nhiều người và không ít khán giả được đến với những tiết mục nghệ thuật có chất lượng kèm những tiếng cười hả hê. Cũng từ đó, nhiều giọng ca vô danh sau một thời gian ngắn đã "vụt sáng" và trở thành hiện tượng trong làng giải trí. Tuy nhiên, thay cho sự háo hức ban đầu, những chương trình này ở mùa thứ hai trở đi đã dần bị thương mại hóa và không còn mang ý nghĩa nghệ thuật đơn thuần. Đỉnh điểm cho câu chuyện này là trong số những "tài năng" phát lộ, có nhiều người thành danh không hẳn bởi khả năng ca hát mà phần nhiều là nhờ sự bình chọn qua tin nhắn của khán giả. Ấy vậy mà khi trở thành "sao", không ít người đã ngộ nhận về tài năng của mình. Họ cho mình cái quyền hành xử như siêu sao Hollywood khi đòi vé máy bay hạng thương gia, nghỉ khách sạn 5 sao... và "được quyền" bắt người khác phải chờ đợi hàng tiếng khi thực hiện chương trình nào đó. Gần đây nhất là chuyện của "sao" mới nổi Bùi Anh Tuấn từ chương trình truyền hình thực tế The Voice cũng tốn không ít tranh cãi trên các báo mạng.
Đáng suy nghĩ là đằng sau sự nổi tiếng quá nhanh ấy không thể không nói đến sự nuông chiều thái quá của giới truyền thông, thậm chí cả sự vụ lợi trong đó đã làm không ít ca sĩ "vụt cái thành sao", trở thành xa lạ với công chúng. Đã là "sao" thì phải "khác người", từ trang phục, hành động, phát ngôn, chiêu trò... và không thế không phải là "người của công chúng"! Dần dần, dư luận cũng quen với những scandal của ca sĩ, và càng nhiều "phốt" dường như họ càng "đắt sô" bởi tính hiếu kỳ của một bộ phận không nhỏ khán giả vốn thiếu thốn những hoạt động văn hóa, văn nghệ lành mạnh.
Rồi nữa, chỉ sau một thời gian ngắn trở thành "sao", nhiều ca sĩ giàu nhanh và liên tục khoe mua siêu xe, biệt thự... Không ai được quyền chê trách họ về điều này khi đó là những thu nhập chính đáng. Và thực sự, rất khó so sánh mức thu nhập của giới ca sĩ với thu nhập của các ngành, nghề khác, vì đó là quy luật của thị trường. Nhưng dưới góc độ công dân, nhiều người trong số họ đã "quên" hoặc cố tình quên trách nhiệm của mình. Bởi theo tiết lộ gần đây của Cục thuế TP Hồ Chí Minh, mức thuế thu nhập cá nhân trong năm 2012 do một nghệ sĩ đóng cao nhất cũng chỉ hơn 370 triệu đồng, sau đó nhờ truy thu thêm 300 triệu nên mức đóng mới nâng lên trên 670 triệu đồng. Đem so sánh con số ấy với mức "hét giá" dự kiến của ca sĩ Mỹ Tâm ở sự kiện nêu trên mới thấy mức đóng góp thuế của ca sĩ hàng "sao" thấp hơn rất nhiều so với những gì họ thụ hưởng. Nói cách khác, nhiều người thuộc hàng "sao" đang có hành vi trốn thuế đáng chê trách.
Trong trường hợp vừa nêu của Mỹ Tâm và một vài ca sĩ khác, việc TP Đà Nẵng bỏ ý định ký hợp đồng biểu diễn là một hành động cần thiết. Bởi có như thế, những ca sĩ đó mới hiểu giá trị đích thực của mình là đâu. Bởi khi chưa tỉnh ngộ, có thể, các ca sĩ hàng "sao" chưa thấm được hậu quả của việc mình làm. Cái mất nhiều nhất của họ chính là lòng tin yêu của khán giả đối với mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.