(HNM) - Một trong những thông tin thu hút sự chú ý của nhiều phụ huynh và học sinh (HS) trên địa bàn thành phố trong tuần qua là việc Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành
Đây không phải nội dung mới, nhưng lần đầu tiên, ngành giáo dục Hà Nội đã quy định chế tài kỷ luật cụ thể, nghiêm khắc đối với HS vi phạm, với mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ tương lai.
Cảnh sát giao thông (CATP) lập biên bản xử phạt một trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Ngọc Cường |
Mức phạt nằm trong khung quy định
Thực hiện chủ đề năm học 2015-2016 về bảo đảm trật tự, ATGT, ngày 7-3-2016, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức phong trào thi đua bảo đảm trật tự, ATGT trong ngành giai đoạn 2016-2020 với những yêu cầu, nội dung cụ thể, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, hành vi của cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS, góp phần cùng xã hội xây dựng văn hóa giao thông. Một trong những giải pháp được cho là "mạnh tay" của ngành giáo dục Hà Nội và có hiệu lực ngay từ tháng 3 là quy định chế tài "xếp loại hạnh kiểm yếu; cảnh cáo trước toàn trường; ghi học bạ; buộc thôi học 1 tuần" đối với HS tái phạm nhiều lần các quy định về bảo đảm ATGT. Ngay lập tức, quy định này đã nhận được phản hồi nhiều chiều từ xã hội, trong đó đa phần đồng tình, song cũng không ít ý kiến phản đối, cho rằng mức phạt đưa ra quá nặng, không phù hợp với quy định chung.
|
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Việc nghiêm khắc xử phạt HS vi phạm quy định về bảo đảm ATGT của ngành là cần thiết và nhận được sự đồng thuận của các nhà trường. Điều 42 của Điều lệ Trường THCS, THPT do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2011 cũng quy định rõ các mức kỷ luật đối với HS, trong đó có việc cảnh cáo ghi học bạ, buộc thôi học có thời hạn… Theo quy định của Hà Nội, tùy theo mức độ vi phạm mà HS phải chịu các mức phạt khác nhau. Tuy nhiên, cần nói rõ, việc buộc thôi học có thời hạn không có nghĩa là đuổi các em ra đường, mà nhằm tăng cường sự phối hợp trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục HS.
Đồng tình với chủ trương này, Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Đức, Nguyễn Quốc Bình, cho biết, thực tế tại trường, việc áp dụng các biện pháp mạnh để phần nào giúp HS có ý thức chấp hành quy định về bảo đảm ATGT hơn; số trường hợp vi phạm các quy định về giao thông như lái xe khi chưa đủ điều kiện, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang khi tham gia giao thông… giảm hẳn. Tuy nhiên, để những chuyển biến này thực sự bền vững, cần phải triển khai đồng bộ, quyết liệt ở tất cả các trường.
Vì tương lai các em...
Đây không phải lần đầu tiên việc áp dụng các mức chế tài nghiêm khắc đối với HS vi phạm quy định về bảo đảm ATGT được triển khai. Cách đây 5 năm, trước tình trạng vi phạm các quy định về bảo đảm ATGT ngày một phức tạp, Sở GD-ĐT Hà Nội và Công an thành phố đã ký kết Quy chế phối hợp về bảo đảm an ninh trật tự tại các nhà trường, trong đó nhấn mạnh tới nội dung yêu cầu HS tuyệt đối không đi xe máy khi chưa đủ điều kiện và nghiêm túc chấp hành các quy định của luật giao thông. Yêu cầu bắt buộc HS đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, xe đạp điện cũng đã được bổ sung vào quy định của các nhà trường trên địa bàn thành phố. Nhiều giải pháp đã được triển khai như: Ghi hình tại các điểm quanh khu vực cổng trường, phạt nguội HS vi phạm… Thậm chí, có hiệu trưởng thường xuyên "vi hành" để nhắc nhở trực tiếp HS. Cùng với tuyên truyền, giáo dục và xử phạt để răn đe, đến nay, hầu hết HS có ý thức chấp hành, số lượng HS vi phạm giảm. Song thực tế cho thấy, những chuyển biến của HS chưa bền vững, vẫn còn không ít HS không đội mũ bảo hiểm, đi xe chở ba, bốn người… lưu thông trên đường.
Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi Nguyễn Quý Xuân cho rằng, gia đình, nhà trường và xã hội phải cùng hướng tới mục đích giáo dục HS có ý thức kỷ luật tốt, trong đó có ý thức chấp hành quy định về bảo đảm ATGT, chứ không phó mặc cho nhà trường. Các lực lượng trong và ngoài nhà trường phải đồng lòng, chung sức với quan điểm phải nghiêm khắc, quyết liệt vì tương lai của chính các em. Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Đức, Nguyễn Quốc Bình, thẳng thắn cho biết: Sự thờ ơ của một bộ phận phụ huynh đôi khi khiến nhà trường cảm thấy đơn độc trong việc giáo dục HS tự giác chấp hành quy định về bảo đảm ATGT… Để thực hiện tốt chủ trương này, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều lực lượng, với một chiến lược dài hơi, trong đó xác định rõ lộ trình thực hiện cho từng giai đoạn, triển khai đồng bộ, nghiêm khắc… Theo em Lê Quang Thái, HS Trường THPT Thạch Bàn, việc áp dụng chế tài phải thật nghiêm khắc, công bằng, khách quan giữa các lớp, các trường. Bên cạnh đó, HS cũng mong muốn được thường xuyên cập nhật những quy định, thông tin về thực trạng ATGT trên địa bàn thành phố chấp hành và có nhận thức đúng khi tham gia giao thông.
- Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, tùy theo mức độ vi phạm, HS có thể bị phạt với 3 mức độ: + Vi phạm lần 1: Hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi; phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. + Đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2: Hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ; trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm; thông báo tới địa phương nơi cư trú. + Đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần: Xếp loại hạnh kiểm yếu; cảnh cáo trước toàn trường; ghi học bạ; buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.