(HNM) - Chững chạc trong lối viết, sâu sắc trong suy nghĩ và hồn nhiên trong cảm nhận, bất cứ ai tiếp xúc với những “Đại sứ văn hóa đọc” đầu tiên của Thủ đô đều không khỏi ngạc nhiên và tự hào, bởi chúng ta đang có những hạt nhân trẻ đầy tiềm năng, giúp lan tỏa tình yêu sách.
Thông điệp các em mang đến rất rõ ràng, một khi tạo điều kiện tốt nhất, chắc chắn các em trưởng thành hơn về nhận thức và cùng bạn bè, người thân lan tỏa tình yêu sách trong cộng đồng.
Xây dựng ý thức đọc sách ngay từ nhỏ là điều cần thiết để hình thành một nền văn hóa đọc. Ảnh: Khánh Huy |
Những điểm nhấn của cuộc thi
Năm 2016, lần đầu tiên Sở Thông tin - Truyền thông, Sở GD-ĐT, Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam và Hội Truyền thông TP Hà Nội phối hợp tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô”. Và kết quả thu được rất ấn tượng: Sau hơn 3 tháng tổ chức, đã có hơn 1 vạn học sinh tham gia cuộc thi cấp cơ sở. Ban giám khảo đã chọn được 1.219 bài dự thi, gồm 858 bài tiếng Việt, 361 bài tiếng Anh vào vòng thi cấp thành phố. Qua nhiều vòng chọn lọc gắt gao, có 40 bài thi tiếng Việt và 9 bài tiếng Anh lọt vào chung khảo.
Tại vòng chung khảo, Ban tổ chức đã chọn được 20 "Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô" phần tiếng Việt, 5 "Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô" phần tiếng Anh, trong đó có 2 học sinh được nhận danh hiệu Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu. “Những bài thi được chọn vào chung khảo đều thể hiện xuất sắc trong ý tưởng, cách chọn sách, nội dung, kỹ thuật viết và khả năng sáng tạo. Các em đã thể hiện niềm say mê thực thụ đối với sách, trải lòng mình trong từng trang viết và dành trọn tâm huyết để thực hiện bài thi” - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú nhận xét.
Có rất nhiều bài thi gây bất ngờ, bởi chính tài năng và tình yêu sách mà các em thể hiện. Chẳng hạn bài thi bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt về cuốn tiểu thuyết “Nanh trắng” của Jack London, do em Lê Hà Thanh (sinh năm 2002, ở huyện Phú Xuyên) thể hiện. Hà Thanh đã làm bài thi theo mô hình sách 3D thủ công đầy ấn tượng. Mảnh khảnh, nhẹ nhàng, mang một vẻ ngoài đầy khiêm tốn và giản dị, nhưng Hà Thanh đã truyền cảm hứng và tình yêu sách của mình không chỉ qua trang viết. Vì vậy, em chọn lựa cách thể hiện bài thi giới thiệu sách, nêu ý tưởng phát huy văn hóa đọc của mình một cách sinh động, như một lời nhắn đến các nhà làm sách, nhà xuất bản rằng, sách rất hay và thú vị, nhưng phải làm sách thế nào để vừa bổ ích về nội dung, vừa hấp dẫn về hình thức.
Một trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất dự thi là em Nguyễn Cảnh Thắng (sinh năm 2007, ở quận Bắc Từ Liêm), nhưng em đã sớm có suy nghĩ chững chạc hơn các bạn cùng trang lứa. Em rất tâm đắc với cuốn sách “7 thói quen để trẻ trưởng thành” (tác giả Sean Covey) và ý tưởng thú vị: Hợp tác với bác tổ trưởng tổ dân phố ở khu chung cư để làm tủ sách cho từng tòa nhà, góp phần xây dựng thói quen đọc sách cho các hộ gia đình.
Lan tỏa sức mạnh
Dõng dạc nhận trách nhiệm lan tỏa tình yêu sách, 2 học sinh vinh dự nhận danh hiệu “Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu Thủ đô" năm 2016 là Nguyễn Vân Thùy Linh (lớp 9A4, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm) và Cao Mỹ Duyên (lớp 5A1, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, quận Cầu Giấy) thực sự gây ấn tượng. Chọn viết về tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh để nói lên cảm nhận, tình yêu sách của mình, Thùy Linh nhấn mạnh: “Niềm đam mê sách lịch sử của em được bồi dưỡng từ nhỏ, khi em được bố và bà nội kể những câu chuyện lịch sử, rồi cùng bà xem những vở chèo, tuồng về đề tài này. Sách lịch sử là loại sách hay và không hề khó đọc như chúng ta nghĩ. Chúng ta nên nghĩ, sách lịch sử là điều rất đỗi thân thương, đừng áp cho cái mác là “sách lịch sử khó đọc lắm”. Chỉ cần dành một góc nhỏ cho sách lịch sử trong trái tim mình, bạn sẽ có được tình yêu với nó”.
Còn Mỹ Duyên, cô trò nhỏ nhắn bày tỏ mong muốn theo tấm gương của chú Nguyễn Quang Thạch (Chương trình sách hóa nông thôn) lan tỏa tình yêu đọc sách tới những người khác. Bài thi của Mỹ Duyên được trình bày bằng tiếng Anh và ngay tại buổi nhận giải, cô bé học sinh lớp 5 khiến tất cả ngưỡng mộ với những câu trả lời đầy tự tin, phát âm tiếng Anh chuẩn xác: “Con viết về cuốn “Những tấm lòng cao cả”, bởi con thấy tâm hồn mình trong cuốn sách đó. Trong gia đình, chị gái con không thích đọc sách bằng lướt nét, trao đổi trên mạng xã hội, sử dụng ipad, mobile, nhưng cách của con để chị quan tâm đến những cuốn sách hay, đó là thỉnh thoảng con lại kể cho chị nghe một đoạn, khiến chị tò mò muốn biết đoạn kết và rồi, chị ấy sẽ đọc từ đầu đến cuối”.
Mong muốn lan tỏa tình yêu sách, Thùy Linh đưa ra những ý tưởng rất cụ thể: “Thứ nhất, vì đang thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, em nghĩ chúng ta nên đặt thêm nhiều tủ sách công cộng hơn nữa, để độc giả trao đổi, đọc sách cùng nhau. Thứ hai, ở các giờ học địa lý, lịch sử, khoa học xã hội, thay vì chỉ học trong sách giáo khoa, mong rằng các thầy, cô khuyến khích các bạn tìm thêm những cuốn sách liên quan đến bài học của mình, rồi mang đến lớp để chia sẻ cho nhau nhiều đầu sách hay… Em tin mỗi bạn nhỏ đều có vô số ý tưởng để đóng góp phát triển văn hóa đọc, bởi nhiệm vụ lan tỏa tình yêu sách không chỉ đến từ ông, bà, cha, mẹ người lớn, mà cả ở chiều ngược lại...”.
Những hạt nhân "Đại sứ văn hóa đọc" tài năng và tràn đầy nhiệt huyết ấy, thực sự là các điểm sáng trong xây dựng văn hóa đọc tại Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Có mặt tại buổi giao lưu cùng các "Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô" năm 2016, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty sách Thái Hà chia sẻ: “Mình đến để động viên các em, nhưng không ngờ học được rất nhiều. Các em giỏi hơn mình tưởng tượng rất nhiều. Các em thậm chí còn hướng dẫn những người như chúng tôi cách làm sách, kết hợp làm clip tuyên truyền, biết làm ra nhiều sản phẩm tuyệt đẹp… ”. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.