Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự lựa chọn khó khăn

Đình Hiệp| 20/07/2012 05:46

(HNM) - Bất chấp sự phản đối của những người lo ngại tái diễn một thảm họa tương tự như đã từng xảy ra với Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011, Chính phủ Nhật Bản vẫn quyết tâm vận hành trở lại lò phản ứng số 3 Nhà máy điện Ohi ở tỉnh Fukui và đã hoạt động đúng công suất từ ngày 9-7 vừa qua.


Trung tâm điều khiển lò phản ứng hạt nhân ở Nhà máy điện hạt nhân Ohi, Nhật Bản.

Sự kiện lò phản ứng hạt nhân đầu tiên trong số 50 lò phản ứng thương mại hoạt động bình thường trở lại sau khi tất cả đều ngừng hoạt động vào tháng 5 vừa qua cho thấy, điện hạt nhân đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của nền kinh tế thứ ba trên thế giới.

Thực tế, lò phản ứng số 3 có công suất 1,18 triệu kW này đã được tái khởi động từ ngày 1-7 sau khi ngừng hoạt động hồi tháng 3-2011 để kiểm tra định kỳ. Theo Công ty Điện lực Kansai (KEPCO), ngay sau khi lò phản ứng này hoạt động đúng công suất, Chính phủ Nhật Bản sẽ hạ thấp mục tiêu tiết kiệm điện năng đối với các khu vực dịch vụ của KEPCO, trong đó chủ yếu là vùng Kansai với trung tâm tỉnh Osaka trong mùa hè năm nay từ 15% xuống 10%. KEPCO cũng đang chuẩn bị khởi động lò phản ứng số 4 nhằm cấp đủ điện năng vào ngày 25-7 tới.

Trước khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần năm ngoái, sản lượng điện hạt nhân của Nhật Bản chỉ đứng sau Pháp và Mỹ. Để cung ứng đủ năng lượng cho nền kinh tế, Nhật Bản từng đưa ra kế hoạch nâng tỷ lệ điện hạt nhân trong sản lượng điện quốc gia từ 30% năm 2011 lên 40% vào năm 2015 và 50% vào năm 2030. Tuy nhiên, kế hoạch đầy tham vọng này đã bị phá sản sau thảm họa kép ngày 11-3-2011. Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố từ bỏ năng lượng nguyên tử. Ngày 6-5 vừa qua, Nhật Bản đã cho đóng lò phản ứng hạt nhân phát điện cuối cùng ở Nhà máy điện Tomari.

Trong bối cảnh năng lượng điện hạt nhân chiếm tới 1/3 tổng sản lượng điện của Nhật Bản, việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân khiến đất nước Mặt trời mọc như rơi vào "bóng đêm". Trong khi đó, nguồn năng lượng thay thế đang là thách thức lớn khi nhiệt điện, phong điện, thủy điện… đều không đủ sức thỏa mãn nhu cầu điện sản xuất lẫn sinh hoạt ngày càng tăng cao trong những tháng hè nóng bức. Vì thế, Chính phủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tái khởi động Nhà máy điện Ohi.

Theo Thủ tướng Y.Noda, nếu tất cả các lò phản ứng bị ngưng hoạt động hoặc để không thì xã hội Nhật Bản không thể tồn tại được. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yukio Edano cũng lên tiếng cảnh báo, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với một mùa hè "thiếu hụt điện năng nghiêm trọng" nếu không tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự lựa chọn khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.