(HNM) - Cũng nhanh chóng như khi xuất hiện và "làm mưa làm gió" trên internet, mấy ngày vừa qua những thông tin liên quan đến "ca sĩ Lệ Rơi" đã gần như mất hút trên các trang mạng xã hội.
Quả thật là khó có thể tưởng tượng được rằng, sau khi hàng trăm bản cover của anh chàng sinh viên - nông dân Nguyễn Đức Hậu được chia sẻ trên mạng internet, với một gương mặt không thể gọi là "ăn ảnh" nếu không muốn nói là xấu trai, đặc biệt là chất giọng ngang phè, ngô nghê, thậm chí còn lẫn lộn "l" và "n"..., lại có sức hút cộng đồng mạng đến thế. Song, sự việc lẽ ra chỉ nên dừng ở đó, như chính Lệ Rơi - "nghệ danh" của Nguyễn Đức Hậu - thừa nhận là mình hát không hay, hát và up lên mạng cốt cho vui, và chính sự chân thực, lạc quan, yêu đời này đã khiến khá đông cư dân mạng "like" và chia sẻ với anh chàng (tất nhiên là không ngoại trừ yếu tố tò mò và thị hiếu đám đông, nhất là khi công chúng đã ngán ngẩm với các trò khoe thân khoe của hay những xì căng đan tình - tiền của giới showbiz). Thế nhưng, sự tung hô quá đà và ở góc độ ngược lại là thái độ "ném đá" của các cư dân mạng đã khiến một số người trong giới truyền thông chộp ngay cơ hội vàng với ý định biến "ca sĩ bất đắc dĩ" này thành "hiện tượng âm nhạc".
Thế là những thông tin về Lệ Rơi, kể cả các ngóc ngách đời tư, tràn ngập trên các trang mạng. Lệ Rơi đình đám tới mức chỉ cần tra Google cái tên ngồ ngộ này là lập tức có ngay hàng triệu kết quả - một con số khiến không ít người làm nghệ thuật thực sự cảm thấy phát sốt! Thậm chí một tờ báo còn đứng ra làm minishow hoành tráng cho Lệ Rơi, tổ chức đón rước, biểu diễn, giao lưu, tặng quà khán giả… y như "sao" thật!
Cũng chính vì lẽ đó mà những ồn ã xung quanh Lệ Rơi nhanh chóng tắt lịm cũng không có gì lạ. Bởi không khó để cộng đồng mạng nhận ra đằng sau "hiện tượng Lệ Rơi" chính là những chiêu trò nhảm nhí của một bộ phận trong giới truyền thông với mục đích không gì khác là trục lợi. Hơn nữa, dư luận có lương tri đều "nằm lòng" một chân lý, đó là chỉ những giá trị nghệ thuật đích thực mới có được chỗ đứng trong lòng công chúng.
Câu chuyện về những chiêu trò nhằm biến một giá trị ảo thành thần tượng, xuất phát từ thú vui ca hát của chàng trai Nguyễn Đức Hậu và sự yêu mến mà cộng đồng mạng dành cho người thanh niên thuần phác này, là một ví dụ điển hình về sự lệch chuẩn của truyền thông trong thời gian gần đây.
Phải khẳng định rằng trong những năm qua báo chí nước ta đã có những bước tiến mạnh mẽ; đáng kể là trong bối cảnh thế giới và đất nước có nhiều khó khăn, song các cơ quan báo chí truyền thông vẫn có nhiều nỗ lực đổi mới cả về hình thức và nội dung. Nhìn lại chặng đường vừa qua, có thể thấy báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình: Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin nhanh nhạy về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh với những hành vi tham nhũng, tiêu cực; tham gia giám sát, phản biện, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tập trung làm rõ những biện pháp, giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém. Báo chí đã khẳng định vai trò "cầu nối" giữa Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội với nhân dân; xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước... Đặc biệt là trong hơn hai tháng qua, trước hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 sâu trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, báo chí - truyền thông cả nước đã sát cánh cùng Đảng, Chính phủ, các cơ quan chức năng và toàn thể nhân dân trong việc đấu tranh bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh thổ bất khả xâm phạm của Tổ quốc và trở thành một kênh đấu tranh chính trị - ngoại giao mạnh mẽ, hiệu quả. Nhiều báo, đài, cơ quan thông tấn, truyền thông đã cử phóng viên có mặt tại điểm nóng Hoàng Sa, kịp thời thông tin, tuyên truyền về cuộc đấu tranh ngoài thực địa của các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, đồng thời biểu dương, cổ vũ, động viên các lực lượng và bà con ngư dân yên tâm bám biển.
Bên cạnh những mặt tích cực thì thời gian qua báo chí - truyền thông nước ta cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Đáng kể là hiện tượng lệch chuẩn như đã đề cập ở trên, và biểu hiện rõ nhất là trong loại hình báo điện tử, mạng xã hội.
Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, mạng internet và các ứng dụng kỹ thuật số đã và đang tiếp tục có những tác động to lớn đến báo chí thế giới nói chung và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Thực tế đã cho thấy, phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả những tờ báo giấy có địa vị "thống trị" trong đời sống báo chí trước đây hiện đều có xu hướng suy giảm mạnh. Song, chính sự thay đổi này cũng tạo cơ hội phát triển cho báo điện tử và các loại hình truyền thông số khác nhờ ưu thế nhanh nhạy, đa dạng, khả năng thông tin mọi lúc mọi nơi... Nhờ vậy mà trong thời gian gần đây lĩnh vực báo chí điện tử ở nước ta có sự phát triển vượt bậc. Theo thống kê, cả nước hiện có 92 báo và tạp chí điện tử, hơn 300 mạng xã hội và hơn 1.100 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động (so với năm 2011 là 46 báo điện tử, 287 trang thông tin điện tử). Ngày càng có nhiều người đọc, nhất là giới trẻ, không chọn cách đọc báo truyền thống, mà họ có thể dễ dàng tìm đọc thông tin từ báo điện tử và mạng xã hội, ngay trên các phương tiện máy tính bảng, điện thoại smartphone, máy tính xách tay... Đáng lưu tâm là ngày càng có nhiều cơ quan báo chí có xu hướng tích hợp, hội tụ nhiều loại hình truyền thông nhằm phát huy sức mạnh tối đa chức năng phản ánh thông tin.
Tuy nhiên, phải thừa nhận báo điện tử - truyền thông mạng ở nước ta phát triển nhanh, nhiều nhưng không phải tất cả đều mạnh và đáng tin cậy. Đáng quan ngại là ngày càng có nhiều chuyên mục, nhiều tờ báo mạng dẫn nguồn tin từ các trang mạng cá nhân, facebook mà không có sự kiểm chứng, dẫn đến thông tin sai lạc, gây hiểu nhầm cho dư luận... Không ít nhà báo do non kém về nhận thức, do lợi ích cá nhân hoặc háo danh nên đã khai thác thông tin một cách thiếu chọn lọc, đưa tin một chiều, nội dung giật gân, câu khách, thậm chí vi phạm luật pháp, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Dư luận cũng góp ý nhiều về văn hóa ứng xử của một bộ phận người làm báo. Cụ thể là nhiều nhà báo (nhất là phóng viên trẻ) khi dự họp báo chỉ nhăm nhe lấy "tài liệu" rồi ra về. Trong khi đó, một số "người của công chúng" lại có biểu hiện "ra vẻ ta đây", thiếu tôn trọng những người xung quanh, đặc biệt là những nhà báo kiểu này thường tung ra những câu hỏi mang tính "săm soi", hỏi "xóc", hỏi lấy được, hỏi không đúng trọng tâm, trọng điểm của nội dung họp báo... Bên cạnh đó, không ít người làm công tác quản lý cơ quan báo chí quá chú trọng tới doanh thu, tia ra phát hành, lượng độc giả truy cập... nên đã để "lọt lưới" những thông tin thất thiệt, sai tôn chỉ mục đích, trái với thuần phong mỹ tục..., thậm chí còn tiếp tay cho kiểu làm báo chụp giật, chạy theo thị trường.
Những người làm báo sẽ nghĩ gì, có phẫn nộ hoặc xấu hổ hay không khi khảo sát của Trung tâm Phát triển cộng đồng và công tác xã hội trên 5 tờ báo điện tử nằm trong top 50 trang web được truy cập hàng đầu Việt Nam đã chỉ ra rằng, chỉ trong một năm, có đến 548 bài báo có nội dung vi phạm quyền riêng tư của trẻ em. Đáng nói là trong đó có 62% bài báo mô tả một cách chi tiết cùng với bình luận liên quan. 39% bài báo đăng ảnh trực diện khuôn mặt, vùng bị tổn thương của trẻ cùng với thông tin gia đình hoặc trường học. Thông tin về nơi ở của trẻ em được cung cấp cụ thể đến địa danh xã, phường, thị trấn chiếm 30%; đến địa chỉ rõ ràng có thể tìm thấy được là thôn, xóm, đường phố chiếm 41%... Những nhà báo, tờ báo, trang web đã viết và đăng những "tác phẩm báo chí" kiểu như vậy nhằm mục đích gì? Câu trả lời không thể nào khác là "câu view" (thu hút lượt truy cập)! Không thể kể hết những dẫn chứng điển hình về biểu hiện lệch chuẩn kiểu như "hiện tượng Lệ Rơi" hay chuyện chân dài khoe thân, đại gia khoe tiền cũng như những thông tin "trời ơi đất hỡi" vẫn nhan nhản trên các báo điện tử, trang mạng hằng ngày. Hay như mới tuần qua, một tờ báo điện tử đã đính chính vì trước đó trót đưa tin nóng vụ... máy bay Vietnam Airlines rơi ở Hòa Lạc(!)...
Những biểu hiện lệch chuẩn như trên không còn là hiện tượng đơn lẻ mà đã trở nên khá phổ biến, nhất là ở một số báo điện tử, trang thông tin mạng. Để xảy ra tình trạng như vậy, không những báo chí - truyền thông đã đánh mất vai trò "người lính xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng", đánh mất chức năng định hướng dư luận mà còn đánh mất niềm tin trong nhân dân. Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này tất yếu đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải khẩn trương siết chặt quản lý hệ thống báo chí - truyền thông. Bên cạnh đó, đội ngũ những người cầm bút cần thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện tác phong, đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là phải ý thức được sứ mệnh của người làm báo là vừa bảo đảm thông tin vừa phải xây dựng lòng tin trong các tầng lớp nhân dân. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí - truyền thông. Đây chính là cơ sở để quản lý báo chí, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, hướng tới mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế. Chính vì vậy mà cho dù quy hoạch báo chí là một việc khó, nhất là trong tình hình hiện nay, song đó là một việc không thể không làm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.