Văn hóa

Sự hồi sinh mạnh mẽ

Bài và ảnh: Nhật Nam 29/10/2024 - 06:39

Biến những thân cành gãy thành nghệ thuật, để những cây xanh đã chở che cho Hà Nội qua bom đạn, qua bão giông sẽ có cuộc đời mới, mạnh mẽ hơn.

Đó cũng là góp một phần bảo tồn giá trị di sản của Thăng Long - Hà Nội và minh chứng giá trị của công dân Thủ đô. Dù họ là ai, hoàn cảnh thế nào, thì trong họ luôn có một tình cảm thiết tha với mảnh đất này.

vh3.jpg
Bà Rala Khalidi - Trưởng đại diện Văn phòng Liên hợp quốc tại Việt Nam trao chứng chỉ cho nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Như Ý.

Nguồn cảm hứng từ cây xanh

Ngày 7-9, cơn bão Yagi tràn qua Hà Nội, quật gãy đổ hàng vạn cây xanh, trong đó có những cây xanh đã là một phần máu thịt của người Hà Nội, như cây sưa trên đường Hoàng Diệu, cây đa bên đền Bà Kiệu, cây si cổ thụ trước Nhà thờ Lớn... Trong số đó có cả cây mít trước cổng trụ sở Liên hợp quốc tại Việt Nam (304 Kim Mã, quận Ba Đình) được gọi vui là “cây mít được bảo vệ nghiêm ngặt nhất Việt Nam”.

Cây mít là loại cây ăn quả phổ biến, nhưng mang ý nghĩa quan trọng về tâm linh trong văn hóa Việt Nam. Mít được coi là biểu tượng của sự trường tồn, thịnh vượng và có triết lý tâm linh. Vì thế, cùng với đặc tính gỗ mít khá mềm dẻo, nên từ xa xưa người Việt thường sử dụng gỗ mít để làm tượng và đồ thờ.

Những ngôi chùa nổi tiếng ở miền Bắc như chùa Tây Phương, chùa Đậu, chùa Dâu, chùa Sùng Ân, chùa Mía đều sử dụng gỗ mít để tạc tượng thờ. Một trong những pho tượng Phật nổi tiếng miền Nam là bức tượng Phật ngồi trên tòa sen, cao 2,5m ở chùa Khải Tường (thành phố Hồ Chí Minh) được chế tác bằng gỗ mít thếp vàng bởi các nghệ nhân Huế, do vua Gia Long cúng dường. Vì những lẽ đó, năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua cho đúc Cửu đỉnh bằng đồng để đặt trước sân Thế Miếu, trên Cao đỉnh (chiếc đỉnh đồng đặt ở giữa) - tượng trưng cho vị thế của vua Gia Long (vị vua sáng lập triều Nguyễn), nhà vua đã cho khắc hình ảnh cây mít.

Nhìn cây mít trước trụ sở Liên hợp quốc tại Việt Nam bị gãy đổ, những khúc gỗ mít bị cắt xẻ, cũng như rất nhiều cây xanh đã gục ngã sau trận bão, những người yêu Hà Nội không chỉ xót xa mà họ có ý tưởng biến những thân cành gãy ấy thành nghệ thuật, để những cây xanh đã chở che cho Hà Nội qua bom đạn, qua bão giông sẽ có cuộc đời mới, mạnh mẽ như sức sống của con người và thành phố này.

Và, đúng ngày chào mừng 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), tác phẩm “Recovery from Typhoon Yagi” (“Hồi sinh sau bão Yagi”) do nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Như Ý và nhà sưu tầm Phạm Đức Sĩ sáng tác dựa trên cảm hứng từ thân cây mít gãy gục vì bão Yagi đã được gửi tặng Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Điểm tựa của tài năng

Nguyễn Như Ý thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật năm 1988. Ngay trong những năm học đầu tiên, Như Ý đã bộc lộ tài năng qua nghệ thuật điêu khắc. Những khúc gỗ xù xì, vô tri vô giác qua bàn tay phù thủy của anh đã hô biến thành các bức tượng mang phong cách và nét biểu cảm riêng.

Thế nhưng, cuộc đời người nghệ sĩ này liên tục gặp phải biến cố. Năm 2010, vợ anh bỏ đi, con thì mất, còn anh bị tai nạn phải cưa cụt một chân. Sau biến cố ấy, Như Ý biến thành một con người khác. Người ta nhiều lần thấy anh cởi trần trùng trục, da cháy nắng, mò cua bắt cá mưu sinh, vật vã bên chiếu rượu, nửa điên, nửa dại. Cái tên “Ý điên” ra đời từ đó. Nhưng, trong bộ dạng điên rồ ấy vẫn vẹn nguyên một tâm hồn trẻ thơ trong trẻo.

Khi Như Ý bước chân vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, anh có cơ duyên gặp nhà sưu tầm Phạm Đức Sĩ - người mà giới họa sĩ, sưu tầm tranh gọi với cái tên trìu mến: Sĩ “mộc”. Phạm Đức Sĩ trước khi vào trường là người thợ chuyên đóng khung tranh, bục tượng. Cùng chung một môi trường nên Sĩ “mộc” đã chứng kiến mọi thăng trầm của Ý “điên”. Biết Ý bị trầm cảm, nhưng bằng sự nhạy cảm của mình, Sĩ vẫn nhận ra bản năng nghệ thuật mạnh mẽ như bản năng sinh tồn, và sự khao khát sáng tạo vẫn luôn ở đó, trong tâm hồn Ý “điên”.

Từ sự thương cảm, Sĩ “mộc” trở thành người đồng cảm và bảo trợ cho Ý lúc nào không hay. Sĩ “mộc” dọn dẹp cho Ý “điên” ngồi nhờ một góc cửa hàng nhỏ của mình, ngay trước cổng Trường Đại Mỹ thuật Việt Nam thân quen. Sĩ mua cơm cho Ý ăn, mua màu và những bức tượng tái sinh cuộc đời của Ý.

“Làm sao để người ta biết đến tài năng của một con người đặc biệt? Làm sao để Như Ý có thể sống được bằng nghệ thuật?”. Ý nghĩ ấy đeo đẳng Sĩ “mộc”. Năm 2012, Phạm Đức Sĩ mở triển lãm “Nguyễn Như Ý - Chân dung điêu khắc Việt Nam đương đại” cho Ý. Rất nhiều thầy cô Trường Đại học Mỹ thuật vốn là thầy của Ý. Rất nhiều nghệ sĩ và người hâm mộ đến xem. Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã phải thốt lên: “Nhờ Sĩ “mộc” mà cả Hà Nội biết và chơi tượng của Ý “điên”!”.

Tuy không phải là người đầu tiên phát hiện ra tài năng của Ý nhưng Sĩ “mộc” đã kích hoạt lại nguồn cảm hứng với nghệ thuật trong Ý “điên”, đưa Ý “điên” bay xa hơn, để năm 2016, Ý lại được bạn bè hỗ trợ triển lãm ở Blue Gallery (32 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cho đến hôm nay, nói về tài năng của Ý, không thể không nói đến Sĩ “mộc” tinh tế. Vượt lên tất cả, hai con người đó đã dựng nên một tượng đài về tình bạn thật đặc biệt.

vh3a.jpg
Nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Như Ý (ngoài cùng bên phải) và nhà sưu tầm Phạm Đức Sĩ (giữa) chia sẻ về tác phẩm “Hồi sinh sau bão Yagi”.

Hai số phận - một sự hồi sinh

Tổng thể bức tượng khối trụ tròn là hình ảnh một chàng trai cường tráng, ngực trần, đầu đội mũ Lạc hồng, chở che cho người phụ nữ ngã quỳ bên dưới. Chàng trai, một tay ấp lên trái tim, tay phải chở che, nâng kéo người phụ nữ với bộ ngực căng tròn tượng trưng cho sự sinh sôi. Cả bức tượng truyền đi thông điệp “sự sống sẽ lại hồi sinh”.

Đón nhận tác phẩm “Hồi sinh sau bão Yagi” của nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Như Ý và nhà sưu tầm Phạm Đức Sĩ, bà Rala Khalidi - Trưởng đại diện Văn phòng Liên hợp quốc tại Việt Nam xúc động nói: “Cây mít trước cổng trụ sở Liên hợp quốc như một người bạn của chúng tôi. Cây cho bóng mát, cho chúng tôi trái ngọt. Khi cây gãy, chúng tôi rất xót xa, nay nhờ ý tưởng của những người yêu Hà Nội và sự tài hoa của người nghệ sĩ đã tạo nên một tác phẩm không chỉ đẹp, mà nó còn mang thông điệp rất mạnh mẽ về đặc tính dễ tổn thương của con người, của thiên nhiên và cả khả năng hồi sinh nếu được quan tâm, chú trọng. Đây là lần đầu tiên Văn phòng Liên hợp quốc tại Việt Nam đón nhận một tác phẩm nghệ thuật rất đặc biệt, đến từ những con người cũng rất đặc biệt. Điều đó càng khẳng định sự cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực về những người dễ bị tổn thương, về biến đổi khí hậu”...

Có một truyền thuyết kể về chuyện phượng hoàng lửa bay lên từ tro tàn. Và, Ý “điên” cũng từ tro tàn mà hồi sinh. Cây mít gục ngã sau bão Yagi kia cũng nhờ một bàn tay hồi sinh, mang lại một cuộc đời mới. Con người - tác phẩm, hai số phận đều đã hồi sinh mạnh mẽ, đầy ý nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự hồi sinh mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.