(HNM) - Tân Triều hôm nay đã mang dáng dấp của phố thị. Bao quanh những mái đình cổ kính là các dự án đô thị, giao thông, trường học, bệnh viện…
Người nông dân không còn bám ruộng để sống, âm thanh của nghề làm guốc Yên Xá nổi tiếng một thời giờ cũng đã lùi vào dĩ vãng. Kế sinh nhai mới hình thành, nông dân tham gia kinh doanh dịch vụ nhà trọ, kinh doanh buôn bán nhỏ… song, không vì thế mà các phong tục tập quán, tinh thần tương thân tương ái, tối lửa tắt đèn bị phai nhạt. Hơn thế, việc nuôi con chăm ngoan, học giỏi thành tài là niềm tự hào không chỉ của mỗi gia đình, dòng họ mà là chung của làng xã. Vì thế, nhiều năm qua, Tân Triều luôn là điểm sáng về phong trào học tập của thành phố.
Một góc Tân Triều hôm nay. |
Giờ về thôn Triều Khúc khi nhắc tới dòng họ Nguyễn Gia ai cũng biết bởi tinh thần hiếu học. Xưa kia có giai đoạn ba đời liên tiếp của dòng họ đều đỗ đến tiến sĩ và làm quan trong triều. Trong đó đặc biệt có cụ Nguyễn Gia Du đỗ tiến sĩ khi mới ngoài 20 tuổi, hiện còn bia tại nhà thờ Họ và bia mộ Tổ xây từ năm 1930 với những bức hoành phi câu đối ghi lại những dấu mốc vàng son của dòng họ. Trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử, lúc kinh tế đất nước phát triển hay trong chiến tranh, con cháu dòng họ Nguyễn Gia vẫn luôn cố gắng rèn luyện, coi sự học là hàng đầu và chiếm tỷ lệ đáng kể trong khoảng 100-150 em đỗ đại học ở xã hằng năm. Từ năm 2005, để phát huy truyền thống ham học của dòng họ Nguyễn Gia, người trong họ đã chung tay xây dựng quỹ khuyến học để động viên những người có thành tích học tập tốt, vượt nghèo, vượt khó học giỏi. Những thành công trong lịch sử phát triển của dòng họ có sự tiếp nối truyền thống nhưng phần quan trọng hơn, phải nhắc tới ý chí vươn lên trong học tập với quan niệm "biển học mênh mông" và "không có đỉnh cao nào là không thể chinh phục". Giờ đây con cháu dòng họ Nguyễn Gia tiếp tục vươn xa, đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tùy quy định của từng dòng họ, nhưng hằng năm, ở Tân Triều vẫn giữ nếp các Ban đại diện công bố thành tích học tập của con cháu, vừa trao thưởng động viên, vừa khuyến khích; đồng thời cũng nhắc nhở con cháu trong họ không vì một vài thành công trước mắt mà hài lòng. Song song với quỹ khuyến học của dòng họ, những hoạt động tuyên dương khen thưởng động viên của xã Tân Triều cũng góp phần củng cố, nâng cao chất lượng của phong trào khuyến học chung ở địa phương. Anh Trần Quốc Toản, phó trưởng thôn Yên Xá cho biết: Trong thôn có các dòng họ lớn như họ Trương, Vũ, Hoàng, Nguyễn, Đỗ… dòng họ nào cũng có quỹ khuyến học. Thậm chí, các hội đoàn thể, các đơn vị kinh doanh như HTX dịch vụ NN Yên Xá cũng thành lập quỹ khuyến học để khuyến khích con em xã viên thi đua học tốt. Phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ, gia đình khá giả hay còn khó khăn đều cố gắng lao động, dành dụm để nuôi con ăn học. Điển hình như cháu Hoàng Minh Tú, mồ côi bố, mẹ không có công ăn việc làm ổn định, song không phụ lòng mẹ, lại được sự động viên khích lệ của dòng họ, chính quyền địa phương, năm học 2013-2014 cháu đã đạt học sinh giỏi cấp thành phố, nhiều năm liền là học sinh giỏi của huyện.
Ở Tân Triều, khuyến học, khuyến tài được xác định là một trong những phong trào quan trọng của địa phương. Trong giai đoạn 2008-2013, Hội Khuyến học xã đã tổ chức khen thưởng hơn 1.000 học sinh giỏi cấp huyện, thành phố, quốc gia, quốc tế, học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Đáng kể, có em Đỗ Hoàng Anh đoạt Huy chương Bạc môn vật lý và em Nguyễn Huy Khánh đoạt Huy chương Đồng môn toán học trong kỳ thi Olympic quốc tế… Chính quyền và nhân dân địa phương coi sự học thành đạt là điều tự hào và là "cần câu cơm" hiệu quả của mỗi gia đình. Nói như Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Văn Thi, khi mà những nghề phụ, kinh doanh khác trên địa bàn luôn biến động, thay đổi thì chỉ có sự học tập, trau dồi kiến thức mới giúp người dân Tân Triều mở mang, phát triển kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.