Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng xe không chính chủ: Trường hợp nào bị xử phạt?

Bài, ảnh: Dạ Khánh| 12/03/2015 06:49

(HNM) - Từ ngày 1-1-2015, quy định xử phạt xe không chính chủ theo Nghị định 171/2013/ NĐ-CP của Chính phủ, áp dụng đối với ô tô chính thức có hiệu lực. Việc áp dụng đối với xe máy sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2017. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, việc sang tên đổi chủ vẫn ở con số khá khiêm tốn; thêm vào đó là không ít thắc mắc về những trường hợp nào thì bị xử phạt vì đi xe không chính chủ…

Khi chuyển nhượng, cho tặng xe cần thực hiện sang tên đổi chủ để bảo vệ quyền lợi của bản thân.


Lượng người "sang tên đổi chủ" vẫn... khiêm tốnTheo thống kê từ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC 67) - Công an TP Hà Nội, Hà Nội hiện đang quản lý gần 607 nghìn ô tô và gần 4,9 triệu xe máy. Theo Thông tư 12/2013-TT-BCA giải quyết đăng ký xe đối với trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người (có hiệu lực từ ngày 15-4-2013), đến nay PC 67 - Công an TP Hà Nội đã thực hiện sang tên đổi chủ cho hơn 7.000 ô tô và gần 150.000 xe máy, trong đó riêng năm 2014, phòng đã làm thủ tục sang tên cho 824 ô tô, 46.916 xe máy. Ngoài ra, năm 2014, phòng cũng thực hiện sang tên đổi chủ (có chứng từ chuyển nhượng) đối với ô tô là 23.019 trường hợp và xe máy là 17.288 trường hợp.

Trên thực tế, việc quản lý ô tô, xe máy trên địa bàn hiện chủ yếu là qua hồ sơ và không xác định được số lượng phương tiện chưa chính chủ. Tuy nhiên theo nhận định của lãnh đạo PC 67, so với số lượng phương tiện Hà Nội đang quản lý thì lượng xe đăng ký sang tên đổi chủ vẫn ở con số khiêm tốn. Yếu tố chính dẫn đến kết quả này là do ý thức của người sở hữu phương tiện. Tâm lý ngại đi lại, "chưa phạt chưa sợ", chưa hiểu biết rõ về quy định và đặc biệt coi nhẹ ý thức trách nhiệm về quyền được bảo vệ tài sản của chính mình là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Vậy phải chăng thời gian và thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện quá phức tạp khiến người dân… nản? Đội trưởng Đội tham mưu PC67 Công an Hà Nội Tạ Ngọc Khánh cho biết: Thủ tục sang tên xe rất đơn giản, thời gian làm cũng rất nhanh chóng. Đối với trường hợp cấp mới, đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe; cấp hồ sơ sang tên, di chuyển xe; cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe thì thời gian hoàn thành thủ tục không quá 2 ngày làm việc từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Đối với trường hợp đăng ký sang tên xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người thì thời gian làm tùy theo trường hợp đăng ký sang tên xe trong cùng thành phố hay sang tên di chuyển xe đi tỉnh khác, song thông thường nhanh nhất là 2 ngày, nhiều nhất là 30 ngày.

Theo Nghị định 171/2013/ NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân và từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô không thực hiện đăng ký sang tên chuyển chủ theo quy định khi mua, được cho, tặng, được phân bổ, điều chuyển, thừa kế tài sản.

Những rắc rối không đáng có

Trường hợp nào bị coi là xe không chính chủ? Xe của người thân, xe mượn bạn bè có bị coi là đi xe không chính chủ? Đi xe không chính chủ, nếu vi phạm luật bị CSGT dừng xe kiểm tra, xử phạt, có xử phạt cả lỗi xe không chính chủ không? Đây là những thắc mắc của người dân khi được hỏi về quy định xử phạt xe không chính chủ. Trả lời về việc "bắt lỗi" xe không chính chủ, ông Tạ Ngọc Khánh cho biết: "Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, CSGT sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt trong trường hợp điều tra, giải quyết tai nạn giao thông gây hậu quả ở mức nghiêm trọng trở lên và thông qua công tác đăng ký xe. Nếu quá 30 ngày kể từ ngày thực hiện hợp đồng mua bán, chuyển nhượng mà người mua không đi đăng ký sang tên đổi chủ sẽ bị xử phạt".

Việc thực hiện quy định sang tên chuyển chủ phương tiện cũng có nghĩa là người dân thực hiện trách nhiệm về quyền được bảo vệ tài sản của chính mình, chấp hành các quy định của pháp luật... Song trên thực tế nhiều người vẫn chưa ý thức rõ tầm quan trọng của xe chính chủ nên có thể dẫn đến nhiều rắc rối không đáng có. Ông Tạ Ngọc Khánh dẫn chứng: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 6, Thông tư 15/2014/TT-BCA, nếu không thực hiện sang tên đổi chủ phương tiện, người đứng tên đăng ký xe phải tiếp tục chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đã bán, cho, tặng. Điều này đồng nghĩa với việc nếu có tranh chấp, điều tra, khởi tố vụ việc có liên quan đến chiếc xe đã bán, cho, tặng thì chủ xe phải chịu trách nhiệm liên đới. Ngược lại, nếu khi bán, cho, tặng ô tô, xe máy, chủ phương tiện thực hiện việc sang tên đổi chủ sẽ được bảo đảm quyền lợi trong việc xác nhận quyền sở hữu đối với phương tiện. Khi người và phương tiện không may gặp tai nạn giao thông sẽ được hưởng quyền lợi khi tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Được biết trong thời gian qua, thông qua công tác đăng ký phương tiện, CATP Hà Nội đã phát hiện hơn 450 vụ việc có dấu hiệu vi phạm: 153 trường hợp đục tẩy số máy số khung xe, 168 trường hợp sử dụng đăng ký giả, 15 trường hợp xe trộm cắp, 21 trường hợp làm giả giấy tờ… Thực hiện việc sang tên đổi chủ xe khi mua bán, chuyển nhượng sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý tốt đầu phương tiện, nhất là khi Hà Nội sẽ tiến hành phạt nguội các trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ qua camera, giúp chủ xe không "bất ngờ" nhận án phạt không do lỗi của mình gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng xe không chính chủ: Trường hợp nào bị xử phạt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.