Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng ví điện tử có rủi ro?

Hà Linh| 30/12/2017 07:52

(HNM) - Thời gian gần đây, tình trạng khách hàng bỗng dưng bị mất tiền trong tài khoản ví điện tử khiến không ít người đang sử dụng hình thức giao dịch này cảm thấy bất an. Vậy, ví điện tử có mang lại rủi ro cho người dùng và cần làm gì để tránh bị mất tiền?


Mất tiền vì cung cấp mật khẩu qua điện thoại

Cùng với các hình thức giao dịch ngân hàng điện tử, như internet banking, sms banking..., ví điện tử đang là một dịch vụ phổ biến đối với những người dùng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, cùng với những tính năng hiện đại của các loại hình giao dịch điện tử, những rủi ro mang lại cho người sử dụng cũng không ít, nếu người dùng chưa thực sự biết cách bảo mật thông tin. Sau tình trạng tài khoản thẻ ATM của khách hàng bỗng dưng bị “bốc hơi” cả vài trăm triệu đồng trong một đêm, hay khách hàng đang ở Hà Nội nhưng thẻ tín dụng lại bị sử dụng ở Singapore... cảnh báo về những "lỗ hổng" trong hệ thống ngân hàng, mới đây, một khách hàng ở TP Huế bỗng dưng bị mất tiền trong ví điện tử Momo, một lần nữa khiến những người thường xuyên sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử lo lắng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc khách hàng bị kẻ gian lợi dụng lấy tiền trong ví điện tử một phần do khách hàng mất cảnh giác.

Tìm hiểu kỹ để sử dụng hiệu quả tiện ích của ví điện tử.



Điển hình là mới đây, một khách hàng đã đăng nhập vào tài khoản ví điện tử để nạp tiền điện thoại, nhưng quên mật khẩu. Khách hàng gọi điện thoại đến tổng đài của ví điện tử để nhờ hỗ trợ nhưng đường dây báo bận. Sau đó khoảng 20 phút, một số điện thoại lạ gọi vào máy điện thoại của vị khách này và tự xưng là nhân viên tư vấn của tổng đài, hỗ trợ lấy lại mật khẩu và yêu cầu đọc mã gửi qua tin nhắn điện thoại. Ngay sau khi cung cấp mã, tài khoản của khách hàng bị “bốc hơi” 2,5 triệu đồng bằng việc mua liên tiếp nhiều thẻ cào điện thoại mệnh giá 500 nghìn đồng. Qua tìm hiểu, tài khoản ví điện tử của khách hàng này có liên kết với thẻ của ngân hàng, nên mặc dù thời điểm đó ví chỉ còn vài trăm nghìn đồng, nhưng trong thẻ ngân hàng còn tới vài chục triệu đồng. Khi nhận được tin nhắn liên tiếp báo tài khoản đang bị sử dụng, khách hàng này đã kịp thời chuyển tiền sang một tài khoản khác nên số tiền mất chỉ dừng lại 2,5 triệu đồng.

Rõ ràng, việc mất tiền trong ví điện tử có lỗi của khách hàng, cung cấp mật khẩu cho người lạ, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về lỗ hổng an ninh mạng. Bởi, kẻ gian biết được những thông tin liên quan đến khách hàng, như tên chủ thẻ, số tài khoản ví điện tử, thậm chí nắm được việc người sử dụng quên mật khẩu và đang cần trợ giúp, nên dễ dàng gọi điện để lừa khách hàng.

Đây không phải là trường hợp duy nhất bị mất tiền trong ví điện tử. Trước đó, một khách hàng ở TP Hồ Chí Minh bị kẻ gian sử dụng thẻ tín dụng bằng việc điền dãy số thẻ tín dụng vào ví điện tử của một người khác. Thực tế, ví điện tử có hai loại: Đã định danh hoặc không định danh, trong đó loại ví không định danh cũng được phép chi tiêu tối đa vài triệu đồng/ngày. Trường hợp của khách hàng nói trên được cho là bị lộ số thẻ tín dụng và kẻ gian sử dụng để điền vào ví điện tử không định danh.

Bảo vệ ví điện tử như ví tiền mặt

Trên thực tế, sử dụng ví điện tử cũng khá tiện lợi, bởi người sử dụng không cần phải mang theo tiền mặt, mà chỉ cần điện thoại di động thông minh có kết nối internet. Ví điện tử có chức năng nổi bật là dễ dàng chuyển tiền qua mạng, vì thế những giao dịch trực tuyến như thanh toán cước điện thoại, internet, tiền điện, nước... trở nên rất đơn giản. Người dùng còn có thể kiểm tra tài khoản, nhận được thông báo về các giao dịch để theo dõi. Song, bất cập lớn nhất của ví điện tử là khả năng bảo mật thông tin, khiến khách hàng có thể gặp rủi ro lộ thông tin tài khoản. Nếu giao dịch ngân hàng trên internet cần mã xác nhận được ngân hàng cung cấp qua tin nhắn điện thoại, thì với ví điện tử giao dịch không cần mã. Chính sự tiện lợi này cũng mang lại rủi ro cho những người sử dụng.

Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trường Đào tạo an ninh mạng quốc tế Athena, ví điện tử còn có thể bị mất tiền nếu nhân viên tổng đài của nhà mạng hay của nhân viên của doanh nghiệp kinh doanh ví điện tử làm nội gián. Do đó, người dùng cần hết sức cẩn trọng với thông tin tài khoản, thẻ và đề cao cảnh giác với các yêu cầu bất thường từ những người tự xưng là nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng hỏi mật khẩu truy cập.

Giám đốc khối Dịch vụ tài chính cá nhân và Quản lý tài sản của Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Sabbir Ahmed cũng khuyến cáo, khách hàng cần giữ thẻ cẩn thận như giữ tiền trong túi, luôn mang theo thẻ và không bao giờ đưa thẻ cho người khác sử dụng, hoặc chia sẻ thông tin như số thẻ, ngày hết hạn, số PIN, đặc biệt là ba chữ số ở mặt sau thẻ tín dụng... Khi mua hàng trực tuyến, chủ thẻ nên kiểm tra xem trang web đó có phải là trang web được bảo mật hay không. Dấu hiệu để nhận biết một trang web được bảo mật chính là biểu tượng ổ khóa cạnh đường dẫn đến trang web trong thanh địa chỉ. Chỉ nên giao dịch với những trang web có uy tín. Một số trang web mua hàng có thêm các tính năng, như “Được xác nhận bởi Visa” hay “Mã bảo mật của MasterCard” là biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ cho chủ thẻ. Ngoài ra, chủ thẻ cũng cần lưu ý đến những tin nhắn điện thoại thông báo giao dịch và kiểm tra kỹ sao kê để chắc chắn các giao dịch là hợp pháp. Khi thấy nghi ngờ về bất kỳ giao dịch nào, chủ thẻ cần báo ngay cho ngân hàng. Nếu chủ thẻ thận trọng và báo cáo các giao dịch có dấu hiệu bất thường với ngân hàng càng sớm, ngân hàng sẽ có biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng ví điện tử có rủi ro?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.