Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng đồ uống vỉa hè: Rước họa vào người

Diệu Thúy| 08/08/2011 07:14

(HNM) - Mùa hè, nhu cầu giải khát tăng cao nhưng kết quả kiểm tra loại hình dịch vụ quán cà phê, giải khát thì lại cho thấy thực tế đáng lo ngại:

Nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn trong những cốc nước tại các quán giải khát vỉa hè. Ảnh: Ý Như


Giải cơn khát, thêm vi khuẩn

Nước mía là loại nước giải khát được người tiêu dùng (NTD) rất ưa chuộng vào ngày hè vì giá bình dân, dễ uống. Chỉ cần từ 7.000 đồng đến 15.000 đồng là có thể "hạ nhiệt" cơn khát. Các quán nước mía, giải khát thường tập trung nhiều nhất ở khu vực công viên, trường học, bến xe như đường Kim Mã, Giải Phóng, Lê Thanh Nghị, Tạ Quang Bửu, Đại Cồ Việt... Điểm chung dễ nhận thấy ở các hàng nước này là nguyên liệu, dụng cụ dùng "sản xuất" nước mía đều không sạch. Mía bào vỏ dựng vào gốc cây hoặc cắt khúc để vào xô nhưng không được che đậy; cốc "vô tư" nằm hứng bụi; máy ép hoen rỉ, ruồi nhặng bâu bám vô tư. Qua quan sát, hầu hết chủ quán dùng tay không để thực hiện mọi thao tác hốt rác, nhận, trả tiền, vốc đá rồi… ép nước mía. Trong khi đó, theo kết quả điều tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), có tới hơn 40% bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm bị nhiễm khuẩn Ecoli gây tiêu chảy.
Đáng lo hơn là tình trạng các quán giải khát vỉa hè, nhất là nước mía, đều sử dụng đá cây, loại chỉ được dùng để ướp lạnh thực phẩm, hoặc sử dụng đá viên chứa trong túi ni lông nhưng không rõ nguồn gốc để bán hàng. Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất nước đá thủ công nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh, thậm chí sử dụng nước giếng khoan, nước ao để làm đá nhưng vẫn tung ra thị trường đá viên (được coi là đá sạch). Loại đá này cũng đóng trong túi ni lông nhưng không có nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ, được bán với giá 5.000đồng/túi 4kg.

Giá rẻ nên hầu hết, các quán vỉa hè đều sử dụng loại đá này để pha trà đá, bán nước ngọt, nước mía. Những túi đá "tinh khiết" được vận chuyển tới các đại lý phân phối bằng những phương tiện dùng để chở đủ thứ khác như rau, hoa quả, gia súc, gia cầm… Còn tại những điểm bán đá lẻ, những tảng đá cây được đặt ngay xuống vỉa hè nơi có đường cống thoát nước đi qua, trên miếng nilông hoặc bao tải dứa và khi có người mua, chúng được chặt nhỏ bằng những con dao đã hoen rỉ.

Vẫn phải "khuất mắt trông coi"?
Quán nước giải khát vỉa hè không bảo đảm vệ sinh, cả người bán, người mua đều biết thế nhưng nó vẫn tồn tại. Với người kinh doanh, một phần do ý thức, một phần do kế sinh nhai họ không thể sạch hơn được bởi nếu mua đá sạch, sản xuất nước mía sạch thì giá thành cao, không phù hợp với đối tượng khách bình dân của quán giải khát vỉa hè. Còn người tiêu dùng thì quan niệm "ở đâu cũng thế cả", "giỏi lắm cũng chỉ đau bụng chứ có chết đâu mà sợ" nên đành "khuất mắt trông coi". Trong khi đó, theo đánh giá của ngành chức năng thì quán giải khát vỉa hè là nguồn lây nhiễm bệnh rất lớn. Nhưng có lẽ, ai phải vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu và trải qua đợt điều trị 5 ngày như chị Nguyễn Thị H. (Giảng Võ) chỉ vì uống một cốc nước mía tại cổng trường trong lúc đợi đón con thi đại học thì mới "cạch đến già" quán giải khát vỉa hè.

Trong khi người bán thiếu trách nhiệm, người tiêu dùng chủ quan, cơ quan quản lý cũng khó mà quản nổi quán nước vỉa hè. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố đã tổ chức 1.321 đoàn (thành phố 18 đoàn; quận, huyện, thị xã 118 đoàn; xã, phường, thị trấn 1.185 đoàn) tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Sở Y tế tăng cường hoạt động thông tin giáo dục truyền thông bảo đảm chất lượng ATVSTP; nâng cao năng lực quản lý; tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm; phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; tổ chức lễ phát động vì chất lượng ATVSTP tại 29 quận, huyện, 411 xã, phường với gần 30 nghìn người tham dự… Cơ quan chức năng đã kiểm tra và phạt cảnh cáo 1.013 cơ sở, phạt tiền 496 cơ sở (tổng số tiền phạt là 545.450.000 đồng), đình chỉ 39 cơ sở, hủy sản phẩm 351 cơ sở, phê bình 11.840 lượt cơ sở. Thế nhưng, quán nước vỉa hè có lẽ vẫn nằm ngoài vòng kiểm soát của những đợt thanh tra, xử phạt này. Nhưng dù các cơ quan chức năng có nỗ lực vào cuộc thì hoạt động thanh, kiểm tra cũng không thể diễn ra hằng ngày.

Thế nên nguy cơ mất ATVSTP từ quán giải khát vỉa hè vẫn luôn hiện hữu trong những ngày hè.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng đồ uống vỉa hè: Rước họa vào người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.