Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng băng tần "vàng" 700 MHz từ số hóa truyền hình cho dịch vụ 5G

Châu Anh| 11/01/2021 16:14

(HNMO) - Việt Nam đã ngừng phát sóng truyền hình Analog, hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất từ 0h ngày 28-12-2020 và hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án số hóa truyền hình; được ban hành theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ).

Thông tin trên vừa được đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông công bố chiều 11-1 tại Hà Nội.

Theo đó, Đề án số hóa truyền hình đã đạt và vượt các mục tiêu ban đầu đề ra, góp phần thực hiện cam kết toàn khối ASEAN là tắt sóng hoàn toàn truyền hình Analog mặt đất đến năm 2020, với 4 mục tiêu.

Thứ nhất, đã hoàn thành chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ analog (tương tự) sang công nghệ số trên toàn quốc, với 16 triệu hộ gia đình đã xem truyền hình số qua các phương thức cáp, IPTV (truyền hình qua internet) và trên 3,2 triệu hộ sử dụng truyền hình vệ tinh miễn phí. Đồng thời, đã giải phóng 112MHz trên băng tần 700 MHz - là băng tần "vàng" có độ phủ sóng tốt nhất hiện nay cho thông tin di động 5G toàn quốc.

Thứ hai, mở rộng đáng kể vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, từ việc mới phủ trung tâm 40 tỉnh, thành phố năm 2011 (tương đương 50% dân số) đến nay đã vươn lên 63 địa phương trên toàn quốc (tương đương 80% dân số) xuống đến nhiều huyện, xã, thôn, bản. Nếu tính cả phủ sóng truyền hình số vệ tinh thì 100% dân cư đã thu, xem được truyền hình số.

Thứ ba, đã thu hút được nguồn lực xã hội để phủ sóng truyền hình số mặt đất. Nếu như năm 2011 chỉ có Đài truyền hình kỹ thuật số VTC làm truyền hình số mặt đất với 100% vốn nhà nước thì đến năm 2020 có 5 đơn vị tham gia; tổng đầu tư cho phủ sóng truyền hình số mặt đất thêm gần 2.000 tỷ đồng, vốn xã hội hóa đạt trên 50%.

Thứ tư, 100% các đài phát thanh truyền hình địa phương đã được tổ chức sắp xếp theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp tập trung vào sản xuất nội dung chương trình và thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng, trong khi trước năm 2011 thì 100% nhà đài vừa làm nội dung vừa truyền dẫn vừa phát sóng.

Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quá trình thực hiện số hóa truyền hình, Nhà nước đã hỗ trợ đầu thu số cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia (từ năm 2015 đến 2020) tới 1,9 triệu hộ; đã sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích thay cho sử dụng ngân sách để thúc đẩy số hóa truyền hình trong khi các nước khác phải dùng ngân sách; tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 1.145 tỷ đồng.

Điểm đột phá lớn nhất là Việt Nam đã sử dụng công nghệ DVB-T2 là công nghệ thế hệ sau thay vì công nghệ DVB-T (hiện có 102 nước đã sử dụng DVB-T2 là công nghệ sử dụng kỹ thuật điều chế và mã hóa tín hiệu ưu việt hơn nên hiệu quả sử dụng tần số tăng gấp 1,5 lần so với công nghệ DVB-T và có khả năng chống nhiễu tốt hơn).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng băng tần "vàng" 700 MHz từ số hóa truyền hình cho dịch vụ 5G

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.