(HNM) - Chiều 13-6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, sự cố vỡ đập Thủy điện Ia Krel 2 - Gia Lai sẽ được quy trách nhiệm từ khâu thiết kế, thi công, nghiệm thu, vận hành… và phải được xử lý nghiêm để làm gương.
- Xin Phó Thủ tướng cho biết đánh giá của ông về sự cố vỡ đập Thủy điện Ia Krel 2?
- Đây là một sự cố lớn, tuy không xảy ra thiệt hại về người nhưng đó là do may mắn, nếu không sẽ thành thảm họa. Vì vậy, chúng ta phải rút kinh nghiệm hết sức nghiêm túc và xử lý thật nghiêm. Đây cũng là điều kiện để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiểm tra, kiểm soát các dự án kể cả thủy lợi, thủy điện đã, đang và sẽ xây dựng. Hiện nay, Cục Giám định nhà nước và Cục Kỹ thuật an toàn - Bộ Công thương đã có mặt tại hiện trường để cùng với UBND tỉnh kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, từ đó có hướng khắc phục. Tôi cũng xin lưu ý, các đập nhỏ mới là đáng lo vì chúng ta thường chủ quan. Mấy mùa lũ trước, một số đập nhỏ cũng đã vỡ. Sự cố lần này thêm một kinh nghiệm hết sức quan trọng để những sự cố như vậy không được phép lặp lại.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời báo chí. Ảnh: xalo.vn |
- Sau sự cố này, Chính phủ có kế hoạch rà soát lại tổng thể các thủy điện nhỏ và vừa có nguy cơ mất an toàn không, thưa ông?
- Bộ Công thương và Bộ Xây dựng vừa kiểm tra toàn bộ các đập thủy điện, nhưng những đập nhỏ thuộc trách nhiệm các địa phương. Hiện chúng ta có 7.000 hồ chứa, trong đó có hơn 1.000 hồ thủy điện, còn lại là hồ thủy lợi, chúng ta phải kiểm tra cả hai loại và có giải pháp khắc phục các bất ổn.
- Thời gian gần đây liên tục có các sự cố về thủy điện. Chúng ta có giải pháp gì để ngăn ngừa, thưa ông?
- Thực tế nhiều năm nay Chính phủ thường xuyên chỉ đạo và Quốc hội cũng liên tục yêu cầu Chính phủ báo cáo về vấn đề thủy điện tại các kỳ họp. Các địa phương cũng đang rà soát lại các thủy điện nhỏ và vừa thuộc thẩm quyền phê duyệt, chủ động loại những dự án không khả thi. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thì những trường hợp làm gian, làm ẩu vẫn sẽ xảy ra. Trong sự cố này, chúng ta sẽ phải quy trách nhiệm trong thiết kế, thi công, nghiệm thu, vận hành… không thể vì chưa xảy ra chết người mà không xử lý nghiêm.
- Nhiều sự cố vẫn xảy ra, phải chăng do thủy điện của ta phát triển ồ ạt, ngoài sức kiểm soát, quản lý của các cấp, thưa ông?
- Đánh giá này cũng có thể đúng với địa phương nào đó, bởi số lượng thủy điện ở các địa phương không đồng đều. Những sự cố xảy ra với các hồ nhỏ và vừa liên quan đến trách nhiệm chủ động, tự giác của các chủ đầu tư, hệ thống quản lý nhà nước có hiệu lực hay không, có kiểm tra, kiểm soát thường xuyên hay không… Chúng ta phải nhìn nhận việc phát triển các hồ thủy lợi, thủy điện là cần thiết. Tuy vậy, không có nghĩa là chúng ta làm bừa, làm ẩu. Yếu tố quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn.
Khoảng 3h sáng 12-6-2013, đập Thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) bị vỡ một đoạn thân đập khoảng 40m, lượng nước chứa trong lòng hồ tràn về vùng hạ du. Tuy chưa có thiệt hại về người nhưng khoảng 10ha hoa màu của người dân và 20ha cao su của Công ty 74 - Binh đoàn 15 bị dòng nước quét qua; nhiều chòi rẫy, lán trại của đồng bào cũng bị lũ quét. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.