Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong ngắn hạn, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,9% trong năm 2019.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng sẽ tăng ở mức 2 con số trong năm thứ tư liên tiếp và đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính.
Dự báo trên được đưa ra trong báo cáo kinh tế toàn cầu quý III-2019 do Ngân hàng Standard Chartered phát hành gần đây với tựa đề “The dovish wave grows” (tạm dịch “Làn sóng ôn hòa lan tỏa”).
Theo báo cáo nghiên cứu kinh tế vĩ mô, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất, với tổng lượng vốn thu hút được dự kiến đạt 18 tỷ USD.
Tăng trưởng xuất khẩu sẽ duy trì ổn định và vượt trội hơn so với các nước trong khu vực. Xuất khẩu hàng điện tử, vốn chiếm khoảng một phần ba trong tổng lượng xuất khẩu, có khả năng sẽ giảm tốc so với những năm gần đây do nhu cầu bên ngoài và giá cả các thiết bị bán dẫn suy giảm.
Tuy nhiên, sự sụt giảm này sẽ được bù đắp nhờ xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như dệt may và nông nghiệp ngày càng được cải thiện. Trong bối cảnh nhập khẩu nguyên liệu sản xuất giảm tốc, tăng trưởng nhập khẩu dự kiến sẽ vẫn ở mức gần 10%, nhờ đó, cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư trong năm 2019.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo, lạm phát sẽ tăng khiêm tốn ở nửa cuối năm, đạt trung bình 2,8% so với mức 2,6% trong nửa đầu năm và lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ tăng lên 2% trong năm nay.
Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ, các yếu tố kinh tế vĩ mô được giữ ổn định trong nửa đầu năm và có khả năng sẽ tiếp tục duy trì đến cuối năm. Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm so với mức 6,7% trong nửa đầu năm”.
Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered cũng dự đoán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt trong ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng, khi lạm phát vẫn còn ở mức thấp và kỳ vọng lãi suất chính sách sẽ không thay đổi trong năm 2019 và VND sẽ tăng giá nhẹ.
Dòng vốn FDI mạnh mẽ và thặng dư tài khoản vãng lai sẽ hỗ trợ VND trong ngắn hạn và tỷ giá USD-VND được dự đoán sẽ đạt 23.100 vào cuối năm 2019 và 23.000 vào giữa năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.