(HNM) - Trong lúc nhiều doanh nghiệp (DN) địa ốc gặp khó khăn do chính sách tín dụng thắt chặt, giá nguyên vật liệu biến động, đầu ra sản phẩm ách tắc… thì có không ít DN lại coi đây là cơ hội để bứt phá.
Theo đánh giá của GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, việc lạm phát ở mức 2 con số buộc Chính phủ phải sử dụng chính sách nâng lãi suất tín dụng để giảm cung tiền ra thị trường, hướng chủ yếu vào khu vực phi sản xuất. Vì thế, thị trường BĐS rơi vào tình trạng thiếu vốn. Tuy nhiên, sức sống của thị trường BĐS Hà Nội vẫn rất cao, vì thị trường Hà Nội không chỉ cho cư dân sinh sống ở Hà Nội mà cho cả nước. Những người có khả năng kinh tế ở khắp nơi đều muốn có ít nhất một chỗ ở tại Hà Nội. Như vậy, trong 10 năm tới, nguồn cung vẫn khó đáp ứng được nhu cầu. Tuy thiếu vốn, nhưng vẫn có những cơn "sốt" ở từng dự án.
Một thiết kế nội thất của nhà mẫu Times City.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savill Hà Nội cũng nhận định, mặc dù việc điều chỉnh chính sách vĩ mô chắc chắn có tác động đến thị trường BĐS, nhưng thị trường sẽ vẫn diễn biến theo hướng có lợi cho sự phát triển bền vững. Tức là chủ đầu tư phải thực sự có năng lực về tài chính, sản phẩm phải thực sự đánh vào những nhu cầu nhất định của thị trường và chủ yếu hướng tới người sử dụng cuối cùng mới có thể tồn tại và thành công. Đối với người mua, ngoài giá cả và vị trí của sản phẩm, tên tuổi của chủ đầu tư và chất lượng của dự án sẽ được đưa thêm vào danh sách các yếu tố phải cân nhắc. Thực tế, việc mở bán căn hộ dự án Times City tại 458-Minh Khai của Công ty CP Vincom được xem là hiện tượng chứng minh cho nhận định này. Số liệu thống kê cho thấy, ngay từ khi khai trương nhà mẫu, triển khai chào bán một số đơn nguyên đầu tiên, số lượng khách hàng đăng ký, đặt cọc góp vốn đầu tư căn hộ tại đây lên tới gần 90% số lượng căn hộ mở bán. Tọa lạc tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội, giáp sông Hồng và có thể kết nối một cách dễ dàng với vùng lõi trung tâm Thủ đô… Times City hứa hẹn trở thành một khu đô thị kiểu mẫu, một động lực mới, góp phần đưa khu vực phía Nam thành phố nhanh chóng trở thành trọng điểm phát triển đô thị của Thủ đô. Theo ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom, có nhiều nguyên nhân để dự án hút khách hàng, nhưng nguyên nhân chính vẫn là sự cam kết của DN về tiến độ, chất lượng, giá cả sản phẩm. "Bất động sản là tài sản lớn, do đó Vincom luôn đề cao cam kết với khách hàng để có được niềm tin tuyệt đối của khách hàng. Chẳng hạn, nhà mẫu thường chỉ để tham khảo, nhiều dự án không cho khách tham quan quay phim, chụp ảnh. Nhưng, để thể hiện cam kết, chúng tôi để mọi người quay phim, chụp ảnh, lưu giữ làm bằng chứng cam kết căn hộ nhận được sẽ đẹp ít nhất cũng như nhà mẫu" - ông Hiệp nói.
Đánh giá về thị trường BĐS Hà Nội, ông Hiệp cho rằng, thời điểm hiện nay là cơ hội để sàng lọc DN. Một chu kỳ đầu tư dài, với nguồn vốn lớn chắc chắn sẽ không phải là "cuộc chơi" của những nhà đầu tư yếu kém, chụp giật. Đồng thời, DN phải có phương thức đầu tư khôn ngoan. Tại Times City, bên cạnh hệ thống căn hộ hạng sang, chủ đầu tư bố trí phân khu chức năng như hệ thống trường học quốc tế đa cấp, bệnh viện đa khoa quốc tế theo mô hình Hospital Facilities (bệnh viện - khách sạn), với quy mô 500 phòng bệnh và phòng khám, quần thể mua sắm giải trí Vincom Mega Mall-Times City với diện tích lên tới hơn 230.000m2, hứa hẹn trở thành một trong những khu mua sắm sầm uất nhất Việt Nam.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Savills Việt Nam, các chỉ số như 53% dân số ở độ tuổi dưới 30, thu nhập trung bình tiếp tục tăng cho thấy nhu cầu căn hộ chung cư sẽ có tiềm năng tăng trưởng. Trong khi nguồn cung dự kiến có khoảng 21.000 căn hộ, từ 35 dự án sẽ gia nhập thị trường trong 3 quý còn lại của năm 2011. Vì thế, trong lúc thị trường trải qua những đợt nóng-lạnh, nhiều DN địa ốc gặp khó bởi chính sách tín dụng được thắt chặt, giá nguyên vật liệu biến động, đầu ra sản phẩm ách tắc… thì cũng có không ít DN lại coi đây là cơ hội để đầu tư, bứt phá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.