(HNM) - Những bài tập thể dục dưỡng sinh là món
Một tiết mục biểu diễn thể dục dưỡng sinh. Ảnh: Thu Minh |
- Thưa bà, các bài tập thể dục dưỡng sinh do thành viên Hội Sức khỏe ngoài trời người trung, cao tuổi Thủ đô biểu diễn luôn tạo ấn tượng vì sự vui tươi, khỏe khoắn, hấp dẫn. Bà có thể chia sẻ về hành trình tạo dựng những tiết mục này?
- Đối với người cao tuổi, việc lưu thông khí huyết rất quan trọng. Tôi luôn nghĩ phải biết cách tự chăm sóc bản thân những khi yếu mệt thay vì phụ thuộc vào con cháu hoặc bệnh viện. Chính vì vậy, tôi và các thành viên Hội Sức khỏe ngoài trời người trung, cao tuổi Thủ đô luôn tìm tòi, học hỏi để xây dựng những bài tập hữu ích và phổ biến rộng rãi cho các hội viên.
Như bài tập thể dục với bóng, được xây dựng dựa trên tiết tấu bản nhạc Cha-cha-cha vui tươi, có tác dụng như bấm huyệt chữa bệnh. Chúng tôi thiết kế bài tập sao cho mỗi động tác đập bóng chính là một lần người tập tự đấm lưng mình, bóng đập vào các huyệt với diện tiếp xúc lớn, tạo phản lực thay châm cứu. Khi kết hợp nhịp điệu, tiết tấu vui, nhanh, phản lực sẽ lớn hơn. Việc tập luyện trên nền nhạc vui tươi góp phần tạo không khí phấn khởi, lại giúp người cao tuổi có thể tự chữa bệnh nên ai cũng thích tập bài này. Nhưng điều quan trọng là người tập phải hiểu về hệ thống huyệt, tập đúng động tác.
- Người trung, cao tuổi ở Thủ đô có thể tiếp cận các bài tập này như thế nào?
- Hội Sức khỏe ngoài trời người trung, cao tuổi Thủ đô có hệ thống câu lạc bộ phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, lực lượng hội viên lên đến 15 nghìn người. Hàng trăm huấn luyện viên của 30 quận, huyện, thị xã sau khi được học, tập huấn sẽ hướng dẫn lại, kết hợp với tài liệu về các huyệt để chỉ dẫn cho bà con.
- Sự đầu tư về thời gian, công sức để xây dựng các bài tập chắc chắn có nhiều điều để kể, thưa bà?
- Bắt đầu từ ý tưởng, sau đó là biên soạn, chỉnh sửa, rất lâu mới có thể tạo dựng được một bài tập. Tôi và nhóm huấn luyện viên của Hội phải tìm gặp các bác sĩ đông y, tìm hiểu kỹ về các huyệt, tác dụng của từng huyệt. Mỗi huấn luyện viên thể dục dưỡng sinh cần trau dồi, học hỏi để trở thành người giỏi bấm huyệt. Không dễ chút nào, nhưng quyết tâm, kiên trì thì sẽ có kết quả. Việc chuyển giao bài tập đến bà con thì nhanh, nhưng quá trình xây dựng bài tập đòi hỏi rất nhiều thời gian và phải có sự đầu tư kỹ lưỡng.
- Phải chăng nhóm sáng tạo bài tập phải là những người có chuyên môn về y học?
- Ban huấn luyện của Hội có người là bác sĩ, có người vốn là vận động viên chuyên nghiệp. Tôi vốn là giáo viên dạy toán, đảm trách việc viết kết cấu bài tập sao cho có tính khoa học.
Cơ bản là phải chủ động nghiên cứu tài liệu hướng dẫn về y học thích hợp với người trung, cao tuổi để vận dụng vào việc xây dựng bài tập.
Để tập luyện phổ cập, yêu cầu là không quá cao. Nhưng để biểu diễn thì người thực hiện phải nắm chắc hệ thống huyệt, mức độ tạo lực ở huyệt, đồng thời phải nắm vững tiết tấu nhạc, bảo đảm tính thẩm mỹ và chất lượng bài tập.
- Cơ duyên nào đưa bà đến với thể dục dưỡng sinh?
- Tôi gắn bó với thể dục dưỡng sinh từ năm 1993. Thời trẻ, trải qua những năm tháng ở chiến trường khi tham gia thanh niên xung phong, tôi bị nhiều bệnh. Đến với thể dục dưỡng sinh, ban đầu tôi tập bài Thái cực quyền, sau 2 năm đã có tiến triển về sức khỏe, nhưng cũng không rõ nhờ đâu mà khỏi bệnh. Một lần, đi thi giải châu Á, tôi gặp chuyên gia về dưỡng sinh để tìm hiểu rõ vấn đề. Từ đó, tôi tìm hiểu về các huyệt. Tôi thích nhảy, nên xây dựng các bài tập phù hợp với giai điệu âm nhạc để tăng sự hấp dẫn và tính hiệu quả.
Tính đến nay, qua 25 năm gắn bó với công việc này, tôi đã tạo dựng được 22 bài tập, phổ biến rộng rãi tới các hội viên. Chúng tôi luôn lưu ý kết cấu hệ thống bài tập sao cho đa dạng, để ai thích tập mức độ nào cũng có bài tập đáp ứng nhu cầu, ví như có người tập múa, có người tập võ dưỡng sinh...
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.