(HNM) - Chưa kịp nghỉ sau chặng đường dài vất vả tìm kiếm gói cứu trợ thứ hai, cơn sốt nợ Hy Lạp lại thêm một lần nữa gây nhức nhối châu Âu.
Những tưởng khoản cứu trợ 109 tỷ euro vừa được đổ vào sẽ giúp nền kinh tế Hy Lạp khỏi thảm cảnh sụp đổ. Thế nhưng, sự kiện cơ quan xếp hạng tín dụng Mỹ Moody hạ liền ba bậc tín dụng của Hy Lạp xuống mức Ca, chỉ cao hơn một bậc so với mức vỡ nợ và khẳng định nguy cơ Athens phá sản là 100% đang như cơn sóng thần cuốn phăng niềm tin vừa lóe sau những nỗ lực đầy khó khăn của châu Âu.
Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) chưa đồng ý tham gia hỗ trợ Hy Lạp lần hai. |
Cơ sở để Moody tung ra nhận định như một cú đóng đinh Cựu lục địa vào những bê bối thanh khoản là khả năng thanh toán của Athens trong trung hạn. Thừa nhận lần tung phao cứu sinh thứ hai trước mắt sẽ giúp đất nước của các vị thần thoát khỏi cái chết được dự báo, nhưng vấn đề ở đây là biện pháp đảo nợ vay chỗ này trả chỗ kia thực chất sẽ làm gánh nợ mà người Hy Lạp đang mang trên vai thêm trĩu nặng về lâu dài. Với khoản hỗ trợ mới nhất, Athens được cho là sẽ không chỉ gặp rủi ro về thanh khoản khi ngưỡng nợ công chắc chắn sẽ vượt 100% GDP trong nhiều năm tới. Nghiêm trọng hơn, những ràng buộc khắt khe như điều kiện tiên quyết để Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các nhà đầu tư tư nhân rút hầu bao sẽ trói chặt đất nước bên bờ Địa Trung Hải vào những bất trắc liên quan đến cải cách tài khóa, tăng trưởng kinh tế... để có thể đến cái đích cuối cùng là tự đứng trên đôi chân mình.
Không phải cho đến bây giờ, những nghi ngờ về hiệu quả của đợt điều trị liều cao thứ hai cho "bệnh nhân" cấp tính Hy Lạp mới được nhắc tới. Trước khi nhà tín dụng Moody cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của Athens, Chủ tịch Ngân hàng Bundesbank (Đức), Jens Weidmann đã lên tiếng cảnh báo các thị trường đang ngất ngây với hy vọng Hy Lạp tạm thoát hiểm. Chủ nhà băng Đức chỉ ra rằng, nếu không đánh thức xứ Thần thoại khỏi trạng thái trên mây với gói giải cứu mới nhất, việc ỉ lại để không tiếp tục áp dụng triệt để và mạnh mẽ các chính sách tài chính nhằm cải cách nền kinh tế ọp ẹp, thiên đường du lịch của thế giới này sẽ không bao giờ hồi sinh.
Đồng ý để khu vực tư nhân đóng góp đến gần một nửa giá trị khoản cứu viện lịch sử với Hy Lạp được xem là cú đột phá về tư tưởng tại châu Âu già cỗi với sự nhượng bộ rất lớn giữa các lãnh đạo cấp cao. Nhưng cũng đã có ý kiến rằng, dù cách đóng góp như vậy sẽ chia đều gánh nặng cho các bên cứu trợ, song như thế cũng có nghĩa là nền tảng của khối tiền tệ chung sẽ bị đụng chạm và có thể lung lay theo biến động không thể kiểm soát từ đất nước bên bờ Địa Trung Hải. Hệ lụy kèm theo là châu Âu sẽ bị động trong kế hoạch khống chế nợ công và thâm hụt ngân sách tại các quốc gia thành viên khi vi phạm mức trần 3% theo quy định của EU.
Cảm nhận được sự bất an chưa dịu, một số ngân hàng lớn như Ngân hàng Hoàng gia Scotland (Anh), DZ Bank và LBBW (Đức), Erste Bank của Australia... vẫn chưa gật đầu trước lời mời cứu trợ cho Hy Lạp. Các nhà đầu tư Mỹ, nguồn cung cấp tài chính ngắn hạn cực kỳ đáng kể cho các ngân hàng châu Âu cũng đã ồ ạt cắt giảm mạnh sự liên quan tài chính với các ngân hàng châu Âu, ngay cả ở những nước tài chính còn mạnh như Pháp trong vài tuần qua. Động thái đồng loạt rút tiền, lên đến 8,7% các khoản đầu tư, đặc biệt ở ngắn hạn làm giảm khả năng cho vay của hệ thống ngân hàng Lục địa già cho thấy mối nguy nợ nần tại Hy Lạp thực sự chưa hề vợi bớt. Khi thuyết phục các đối tác dồn tiền cứu Hy Lạp khỏi vỡ nợ, châu Âu một mực khẳng định đây là lựa chọn khả dĩ nhằm chặn đứng sự di chuyển nhanh chóng của khối nợ đến các trung tâm kinh tế và công nghiệp mang tính sống còn của Cựu lục địa như Tây Ban Nha, Italia. Nhưng đến lúc này, mọi chuyện có vẻ không đơn giản như thế. Một mối nghi hoặc đang lớn dần là gói giải cứu mới sẽ đặt tiền lệ cho các đợt tái cơ cấu trong tương lai giữa lúc châu Âu đã gần như kiệt quệ với các đợt bơm tiền liên tiếp chỉ trong hơn một năm qua.
IMF từng cảnh báo nếu không dìu Hy Lạp, cái giá mà châu Âu phải trả sẽ rất đắt. Thế nhưng, với những diễn biến mới nhất, cuộc sinh tồn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) xem ra không dễ dàng cho dù vừa quyết phải dốc túi tới hơn 100 tỷ euro.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.