(HNM) - Liên minh Châu Âu (EU) vừa ra tuyên bố chỉ cho Hungary thêm gần một năm (từ nay đến ngày 1-1-2013) để cải thiện tình trạng thâm hụt ngân sách quá mức quy định của khối, nếu không sẽ
Đây không phải là lần đầu tiên, EU dọa cắt hỗ trợ phát triển để nhắc nhở tình hình tài chính yếu kém của Hungary. Thế nhưng, chưa khi nào, liên minh này thể hiện biện pháp mạnh đến như vậy với một thành viên. Tối hậu thư mới nhất là quan điểm rõ ràng của EU với Budapest rằng nước này phải chấm dứt "căn bệnh" thâm thủng ngân sách đã trở thành kinh niên hoặc sẽ không nhận được thêm một euro nào từ ngân khoản được liên minh lập nên để hỗ trợ tài chính cho các nước đang gặp khó khăn trong khu vực.
Sự bất bình của dân chúng với Hiến pháp mới đã gây thêm khó khăn cho nỗ lực vượt khủng hoảng của Hungari. |
Đến thời điểm này, yêu cầu về quản lý ngân sách với Hungary từ EU không còn là những nhắc nhở suông. EU muốn thể hiện sự nghiêm khắc khi mức thâm hụt của quốc gia Trung Âu này liên tiếp vượt ngưỡng cho phép 3% GDP theo quy định của EU và có thể còn lên đến 6% GDP nếu không kịp thời phanh gấp. EU không muốn nhân nhượng thêm nữa với thành viên mới gia nhập từ năm 2004 khi cho rằng Hungary đã không hành động hiệu quả để kiểm soát cán cân thu chi sao cho cân bằng trong thời gian qua. Ngặt một nỗi, Budapest dù đã bước vào mái nhà chung EU gần 8 năm nay, nhưng chưa nằm trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) nên không thể là đối tượng của các hình phạt về tài chính. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là cứ để mặc quốc gia này gây thêm nguy hiểm cho liên minh và đe dọa nỗ lực thoát nợ của Châu Âu. Do đó, cắt viện trợ phát triển được xem là "cây gậy" có thể vào lúc này với chính phủ của Thủ tướng Viktor Orbán.
Nguồn tài chính bị EU cảnh báo "đóng băng" chiếm tới 0,5% GDP của Hungary và Budapest không thể không hành động để tránh viễn cảnh tồi tệ đó. Hungary đã phải cầu viện EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gói cứu trợ lên đến 20 tỷ euro từ tháng 11 năm ngoái nhằm cứu vãn nền kinh tế xộc xệch khỏi sụp đổ. Do đó, nếu khoản hỗ trợ phát triển từ EU bị cắt sẽ là vận hạn kép với quốc gia này. Cho dù chưa nguy ngập như Hy Lạp hay cần quy mô cứu trợ lớn như Italia hay Bồ Đào Nha, song sự ảm đạm của nền kinh tế Hungary không thể khiến Châu Âu yên lòng. Liên tiếp bị các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế hạ mức tín nhiệm, giá trị đồng nội tệ forint rơi không phanh so với đồng euro và chi phí vay mượn leo lên mức kỷ lục, các chuyên gia phân tích đều đồng ý rằng, nếu không có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, việc Hungary rơi vào vết xe đổ của Hy Lạp chỉ là vấn đề thời gian. Sức cạnh tranh của Budapest đã yếu đi rõ rệt khi chiến dịch quốc hữu hóa giá trị tài sản các quỹ hưu trí tư nhân để kéo tụt thâm hụt trị giá gần 14 tỷ USD hồi năm ngoái chỉ như "đá ném ao bèo". Khoản tiền tương đương tới 10% GDP của Hungary không đủ sức nặng để đưa nền kinh tế lỏng lẻo này về mức an toàn bền vững. Vấn đề là, mục tiêu ổn định kinh tế để chạy đua với thời hạn chót ngày 1-1-2013 mà EU vừa đưa ra là một thách thức lớn với chính phủ của Thủ tướng Viktor Orbán khi quốc gia này đang vấp phải sự phản ứng gay gắt từ cả trong nước và quốc tế về thay đổi Hiến pháp theo hướng hạn chế quyền hạn của Ngân hàng trung ương và nhiều lĩnh vực khác từ hồi đầu năm nay.
Thiếu sự đồng lòng của dân chúng cũng như chưa nhận được sự ủng hộ đủ mạnh của EU do thâm hụt ngân sách kéo dài đang là một hạn chế lớn trong cuộc vượt thoát khủng hoảng của Hungary. Mặc dù chưa lộ diện như một "nạn nhân" nguy cấp nhất nhưng những diễn biến kinh tế và chính trị ở quốc gia gần 11 triệu dân này những ngày gần đây như một con sóng ngầm mới ở Trung Âu, đe dọa hành trình vượt cơn bão nợ đang làm rung chuyển Châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.