(HNM) - Vừa tạm lắng sau những tranh cãi giữa Nhật Bản và Trung Quốc về chủ quyền quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư), khu vực Đông Bắc Á tiếp tục trở thành tâm điểm của dư luận khi những ngày qua sóng gió lại nổi lên trong quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuyên bố mới nhất của Ngoại trưởng Koichiro Gemba về khả năng Nhật Bản có thể đệ đơn lên Tòa án công lý quốc tế (ICJ) để giải quyết một cách hòa bình vấn đề chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo) cho thấy, việc phân định lãnh hải đã không còn là "chuyện nội bộ" của hai nước.
Chủ quyền quần đảo Takeshima (Dokdo) đang làm nóng quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tranh cãi đã bùng phát sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bất ngờ tới thăm quần đảo Dokdo mà Tokyo gọi là Takeshima hôm 10-8 vừa qua. Chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc tới quần đảo tranh chấp diễn ra trong bối cảnh đảng cầm quyền Thế giới mới (NFP) có quan điểm bảo thủ của ông Lee Myung-bak tranh thủ những lá phiếu ủng hộ của cử tri xứ Kim chi khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra cuối năm nay đang đến gần. Tuy nhiên, với Tokyo, chuyến thăm không báo trước này của Lee Myung-bak là "rất đáng trách" và không thể chấp nhận được.
Cùng với việc triệu đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc về nước ngay lập tức, đồng thời triệu hồi đại sứ Hàn Quốc tại Tokyo, Nhật Bản còn quyết định hoãn cuộc gặp thường niên giữa Bộ trưởng Tài chính hai nước như những bước đi để phản đối chuyến thăm của Tổng thống Lee Myung-bak. Không dừng lại ở tuyên bố sẽ đáp trả hành động của Tổng thống Lee Myung-bak sau khi tham vấn các thành viên nội các gồm Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng, Nhật Bản còn để ngỏ khả năng rút khỏi thỏa thuận "ngoại giao con thoi" giữa lãnh đạo hai nước mà theo đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ sang thăm Hàn Quốc trong năm nay.
Đây không phải lần đầu tiên quần đảo tranh chấp nằm ở vùng biển giữa hai nước trở thành nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ Nhật - Hàn. Dù chỉ là những đảo đá với diện tích 18,7ha nhưng quần đảo tranh chấp này có ý nghĩa chiến lược quan trọng, án ngữ tuyến hàng hải và hàng không trọng yếu với hai quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á. Không những thế, quần đảo này còn được đánh giá là một ngư trường lớn giàu tiềm năng về khoáng sản và khí đốt. Với nhiều lợi thế địa - chiến lược và kinh tế, tranh chấp về chủ quyền quần đảo này đã âm ỉ từ lâu trong quan hệ hai nước khi Nhật Bản khẳng định từng giành quyền kiểm soát vào năm 1905 sau cuộc chiến với Nga và trong quá trình chiếm đóng bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910 đến 1945. Trong khi đó, Hàn Quốc một mực quả quyết rằng, các đảo này từng được đề cập tới như một phần của lãnh thổ nước này từ thế kỷ thứ VI. Phía Nhật Bản đã hai lần đưa vấn đề này ra ICJ nhưng Hàn Quốc không chấp nhận việc tòa án đứng ra phân xử vì cho rằng hai bên "không tồn tại tranh chấp lãnh thổ". Căng thẳng trong quan hệ Nhật - Hàn về chủ quyền quần đảo trên diễn ra ngay sau khi hai nước có những tranh cãi về kế hoạch tập trận của sở chỉ huy quân đội Mỹ - Hàn mang tên "Người bảo vệ tự do Ulchi" dự kiến diễn ra vào ngày 20-8 tới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có sự phản đối quyết liệt của Nhật Bản, kế hoạch tập trận trên vùng biển gần quần đảo tranh chấp đã phải lùi sang trung tuần tháng 9 tới.
Quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế ở khu vực Đông Bắc Á một lần nữa đứng trước sóng gió. Song, với quá nhiều lợi ích ràng buộc trong liên minh Mỹ - Nhật - Hàn khi phải tìm tiếng nói chung trên nhiều vấn đề mang tầm khu vực và quốc tế, chắc chắn Tokyo - Seoul không để căng thẳng về chủ quyền quần đảo tranh chấp này tiến xa hơn làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Với Mỹ - một đối tác không thể thiếu với cả hai quốc gia - đây là cuộc tranh chấp lâu dài mà hai bên cần xử lý một cách thận trọng.
Căng thẳng trong quan hệ Nhật - Hàn về chủ quyền quần đảo tranh chấp một lần nữa cho thấy, phân định rõ chủ quyền biển đảo là bài toán không chỉ không dễ dàng với hai nước mà còn là khó khăn lớn với tất cả những quốc gia đang có tranh chấp về biển đảo hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.