(HNM) - Những ngày cuối năm, tại Hãng phim truyện Việt Nam, bộ phim
- Ông có thể chia sẻ về những nét đặc biệt ở bộ phim “Sống cùng lịch sử”?
- Nhà biên kịch Đoàn Tuấn đã cho thấy đây là một bộ phim mà lịch sử được phản ánh từ một góc nhìn mới mẻ, qua hành trình “phượt” từ Hà Nội đến Điện Biên Phủ của một nhóm thanh niên ở tuổi 20. Trên hành trình ghi dấu nhiều sự kiện, con người, dấu mốc lịch sử không thể quên ấy, họ sẽ hiểu thêm về cha anh, đặt mình vào hoàn cảnh của cha anh để tự vấn: Nếu ở vào hoàn cảnh đó thì ta sẽ sống và ứng xử thế nào? Như vậy, lịch sử không chỉ được nhìn nhận, mà còn tác động trở lại tới đời sống của họ. Phim sử dụng thủ pháp đồng hiện, cho phép những người trẻ tuổi hôm nay được sống cùng thế hệ trước. Tỷ lệ giữa hình ảnh của quá khứ và hiện tại là 50-50. Đây không phải là thủ pháp mới, nhưng lại là lần đầu tiên tôi thực hiện với vai trò của một nhà quay phim. Vì thế, nó vừa giàu cảm hứng lại vừa như thách thức.
Một cảnh trong phim “Sống cùng lịch sử”. |
- Ông có thể nói rõ hơn về thủ pháp điện ảnh trong bộ phim này?
- Thủ pháp đồng hiện được thể hiện bằng ngôn ngữ hình ảnh. Phần hình ảnh của quá khứ và hiện tại sẽ được làm nổi bật, mang lại cảm giác vừa tương phản vừa kết nối.
- Trong phim có nhiều trường đoạn về Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ông đã quay những trường đoạn này như thế nào để lột tả được tinh thần, cốt cách của một con người văn võ song toàn?
- Đa phần chúng ta đều ấn tượng với những hình ảnh đã có về Đại tướng trong giai đoạn gần đây. Tuy nhiên, Võ Nguyên Giáp trong phim mới 44 tuổi, bởi vậy, sự thể hiện hình tượng nhân vật phải căn cứ trên tài liệu thời đó, nhưng điều quan trọng, như bạn nói, là phải lột tả được tinh thần, tính cách và những quyết định quan trọng của Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Với người quay phim thì điều cốt yếu là tạo ra được không gian chân thực để diễn viên thể hiện. Ở đây là khung cảnh núi rừng, hệ thống giao thông hào, đại bản doanh của Đại tướng và Bộ Tổng tham mưu… Tôi cho rằng hình ảnh của Đại tướng trong phim khá đẹp, đạo diễn đã dựng những trường đoạn hay về ông. Như trường đoạn Đại tướng đưa ra quyết định quan trọng ngay trong đêm, trường đoạn ông khoác áo mưa, đi ngựa thị sát việc kéo pháo hay cảnh Đại tướng đi thăm các thương binh ở một quân y viện.
Khi chúng tôi đang quay bộ phim này thì Đại tướng mất, đoàn làm phim đã lập tức quyết định đưa 3 diễn viên chính về Hà Nội, ghi hình trong bầu không khí đau thương của cả nước. Và đây cũng là một trong những cảnh quay gây xúc động mạnh cho đoàn làm phim.
- Red 1 là chiếc máy quay kỹ thuật số hiện đại của Mỹ mà ông đã dùng để quay “Chơi vơi”. Khi quay “Sống cùng lịch sử” thì đoàn làm phim phải sử dụng loại thiết bị nào?
- Chúng tôi sử dụng hai máy quay và một flyingcame (thiết bị quay trên không - PV) rất hiện đại, tất cả đều phải thuê của Mỹ. 6 năm trước tôi dùng Red 1, giờ thì đã được dùng Red 4, hiện đại hơn nhiều.
- Như vậy, thiết bị kỹ thuật số là lựa chọn tất yếu với bộ phim này và cả với nền điện ảnh đương đại của chúng ta?
- Nhờ dùng kỹ thuật số nên tôi đã thực hiện được những cảnh phim như mong muốn. Toàn bộ phục trang, màu lá cây, màu núi… phù hợp với bối cảnh Điện Biên Phủ 60 năm về trước. Nhờ kỹ xảo, chúng tôi tạo ra một chiếc máy bay được dùng trong thời ấy, loại mà bây giờ không thể có nữa. Công nghệ số cũng giúp chúng ta xóa mái tôn, cột điện, đường nhựa… khỏi khuôn hình, tạo ra bối cảnh phù hợp với vùng đất lịch sử vào thời điểm cách nay hơn nửa thế kỷ. May mắn là khi làm bộ phim này chúng tôi có kinh phí dành cho phần hậu kỳ, đó là một ngoại lệ!
Công nghệ phát triển thì người làm phim phải được học. Hãng phim truyện Việt Nam đã phải tự vận động, thay đổi để thích ứng, nếu kinh phí hạn hẹp thì năng lực sáng tạo sẽ bị hạn chế kinh khủng. Ở Hollywood, chỉ có những đoàn làm phim cực kỳ giàu có mới có thể quay phim nhựa, còn nếu chỉ có dưới 5 triệu USD (tức khoảng 100 tỷ đồng tiền Việt) thì đều phải quay bằng kỹ thuật số.
- Bản thân là một “phượt thủ”, từ bộ phim này ông nghĩ gì?
- Từ khi 25 tuổi tôi đã cùng với chiếc mô tô MZ của Đức đi đến những địa danh có địa hình phức tạp nhất, thú vị nhất của cả nước để tìm cảm hứng về thiên nhiên, con người. Thực hiện bộ phim này, bắt đầu từ góc nhìn và sự trải nghiệm của các bạn trẻ ưa “xê dịch”, tôi cho rằng, nếu như trước đây “phượt” được định nghĩa là sự di chuyển “tự do vô định” thì giờ đây, nó nên được nhìn nhận như một hành trình khám phá có chiều sâu trên cơ sở hiểu biết về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán vùng miền.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.