Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại tá, nhà báo Xuân Mai: Vinh dự được sống cùng lịch sử

Bảo Ngọc| 18/12/2022 06:19

(HNMCT) - “Tôi vinh dự tham gia hai trận Điện Biên Phủ ác liệt. Nếu trận Điện Biên Phủ năm 1954, tôi là chiến sĩ liên lạc thì trận “Điện Biên phủ trên không” năm 1972, tôi được giao phụ trách tờ báo Phòng không - Không quân, trực tiếp duyệt tin, đưa tin, chụp ảnh về những ngày tháng không thể nào quên trên bầu trời Hà Nội”, Đại tá, nhà báo Xuân Mai, nguyên Tổng Biên tập Báo Phòng không - Không quân, nguyên Tổng Biên tập Báo Cựu chiến binh chia sẻ.

Bức ảnh làm nên tên tuổi nhà báo Xuân Mai.

1. Trong căn phòng khách chừng hai chục mét vuông, có lẽ điểm nhấn là những tấm ảnh được lồng khung treo trang trọng. Đó là các bức ảnh mà nhà báo Xuân Mai vinh dự được chụp cùng Bác Hồ, hoặc chụp ảnh Bác Hồ trong những lần Người về thăm đơn vị Phòng không - Không quân. Ở tuổi 87, ông có thể kể vanh vách lịch sử ra đời của từng bức ảnh đó. Không chỉ chụp ảnh, ông còn viết tin trong những ngày khói lửa ngút trời Thủ đô 50 năm trước. Điều đáng quý là ông còn lưu giữ những dòng nhật ký mà ông đặt bằng cái tên “Nhật ký phóng viên” trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Ở đó, tôi thấy ông ghi cụ thể từng ngày, từng giờ quân ta phản kích, thời điểm quân địch rơi máy bay rồi diễn biến cuộc chiến... Ký ức đưa tôi và ông quay ngược thời gian, trở về với quá khứ vàng son của 50 năm trước.

Nhà báo Xuân Mai cho rằng, xưa nay báo chí nói về sự kiện “Điện Biên Phủ trên không” mà chỉ nói đến 12 ngày đêm khói lửa là chưa đủ, bởi để có được trận không chiến trên bầu trời Hà Nội, Trung ương Đảng, quân đội và Bác Hồ đã chuẩn bị từ sớm, từ xa. Cụ thể như sự kiện ngày 24-3-1966, Bác Hồ về xem một bộ phận xác chiếc máy bay không người lái BQM-34A bị bộ đội tên lửa bắn rơi ở độ cao 18km. Hay sự kiện ngày 19-7-1965, Bác Hồ đến thăm trận địa tại sân bay Bạch Mai của khẩu đội 6 pháo cao xạ, Đại đội 1, Trung đoàn 234 mà Bác đã có câu nói nổi tiếng: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay B gì đi chăng nữa thì ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Đã đánh là nhất định thắng”. Rồi ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969 Bác Hồ đã về thăm, động viên, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ quân chủng… Tất cả những sự kiện này, nhà báo Xuân Mai đều chụp được những tấm hình đắt giá về Bác, qua đó cho thấy sự ân cần, gần gũi cũng như mối quan tâm của Bác đối với chất lượng và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân chủng Phòng không - Không quân.

2. Mắt nhìn xa xăm, giọng ngậm ngùi, nhà báo Xuân Mai nói: “Dù đã kinh qua nhiều chiến trường nhưng việc được trực tiếp làm báo trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Ngày ấy, tôi được giao phụ trách báo Phòng không - Không quân - một trong những tờ báo chủ lực đưa tin về chiến dịch. Những đêm ngày đó, cả tòa soạn không ai ngủ. Nghe tiếng bom B52 nổ rền mà thương Hà Nội đến quặn lòng… Ngày đó, phóng viên tòa soạn chia làm hai, một nửa ở Thủ đô theo dõi tình hình phía Bắc, tiếp nhận bài vở, in ấn và phát hành, số còn lại thường trú ở Sở chỉ huy tiền phương. Dù khó khăn, vất vả, thậm chí đối mặt với khả năng hy sinh bất cứ lúc nào nhưng ai nấy đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, cố gắng đưa được những bức ảnh, dòng tin về tòa soạn một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Bởi ai cũng xác định thông tin bắn rơi B52 có vai trò quan trọng trong việc cổ vũ, động viên tinh thần của quân và dân ta trong cuộc chiến ác liệt này”.

Một sự kiện không thể nào quên với nhà báo Xuân Mai xảy ra vào ngày 22-12-1972, khi đó ông được giao nhiệm vụ tường thuật sự kiện Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Tiểu đoàn 77 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) giữa lúc trận đánh máy bay B52 diễn ra ác liệt. Khi đó máy ghi âm còn rất thô sơ nên ông đã phải cố gắng tiếp cận sao cho có được chất lượng âm thanh tốt nhất. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông được cử đem cuốn băng đến Phòng Phát thanh Quân đội. “Tôi đến Phòng Phát thanh quân đội khi đã quá nửa đêm, Trưởng phòng Hồng Lân yêu cầu tôi viết ngay bài tường thuật. Tôi ngồi viết trong tiếng còi báo động xen giữa tiếng bom đạn. 2h sáng, bài viết dài hơn 2 trang giấy được hoàn thành, vừa kịp phát vào chương trình thời sự lúc 6h sáng 23-12. Đúng 4h sáng tôi về nơi sơ tán của tòa soạn và ngồi viết lại tin bổ sung, kể cả tổng hợp tin chiến sự để kịp cho số báo của tòa soạn vào sáng ngày 24-12. Ngoài ra, tôi còn phải lên kế hoạch tổ chức lực lượng đi làm 4 bài phỏng vấn thu thanh theo yêu cầu của Đài Tiếng nói Việt Nam” - nhà báo Xuân Mai nhớ lại.

Nhà báo Xuân Mai phỏng vấn phi công Nguyễn Tiến Sâm trên sân bay Nội Bài ngày 29-7-1972 khi phi công Nguyễn Tiến Sâm vừa bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3 trong tháng 7-1972.

3. Năm 2012, nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, nhà báo Xuân Mai cùng các cộng sự đã phỏng vấn hơn 100 nhân chứng, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhà báo Hà Đăng hay Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân… để cho ra mắt cuốn sách “Đối mặt với B-52” (Nhà xuất bản Trẻ). Với 3 phần, cuốn sách đi theo mạch thời gian từ thời điểm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, dựng lại bối cảnh cuộc sống của người Hà Nội những năm 1966 - 1972 và quá trình quân đội nghiên cứu làm thế nào để hạ được “pháo đài bay” B52. Tiếp theo là quãng thời gian 12 ngày đêm, với cuộc chiến chống một lực lượng hùng hậu máy bay của không quân và hải quân Mỹ cũng như công việc của những người Hà Nội còn ở lại Thủ đô. Phần 3 là câu chuyện về Hiệp định Paris dưới tác động của “Điện Biên Phủ trên không” cũng như điểm qua quá trình đàm phán gần 5 năm của cuộc chiến ngoại giao gian khổ, lâu dài, hiếm có để có được hòa bình lập lại trên miền Bắc.

Cuốn sách nói trên được đánh giá cao. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng: “Cuốn sách cho chúng ta thấy sự kiên cường, sáng tạo, trí thông minh của người Việt Nam. Cuốn sách rất bổ ích cho những người không trực tiếp tham gia, giúp họ nhìn nhận được bối cảnh sự kiện và diễn biến”. Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam nhìn nhận: “Tác phẩm khá công phu, bằng người thật, việc thật, đã nói được nhiều điều trước chưa dám nói, do đó có sức thuyết phục và hấp dẫn”. Hay người trong cuộc chiến như Trung tướng Vũ Xuân Ninh, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân nhấn mạnh: “Những nội dung trong cuốn sách về ngoại giao, dân sự, về cuộc sống của nhân dân khi ấy đã giúp tôi bổ sung toàn diện, cả kiến thức và tình cảm về 12 ngày đêm cuối năm 1972”.

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” diễn ra cách nay nửa thế kỷ, nhưng trong ký ức của Đại tá, nhà báo Xuân Mai thì dường như sự kiện lịch sử này mới chỉ diễn ra ngày hôm qua. Kỷ niệm ùa về, nhắc ông về ý thức, trách nhiệm của người làm báo và giá trị của hai chữ “hòa bình” ngày hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại tá, nhà báo Xuân Mai: Vinh dự được sống cùng lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.