(HNM) - Đã 10 năm nay, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới phải đối mặt với trận lũ lớn như những ngày cuối tháng 9 vừa qua. Đâu đâu cũng thấy nước tràn đồng. Nhiều tuyến tỉnh lộ, huyện lộ bị nước lũ nhấn chìm. Những cánh đồng lúa có đê bao như những ốc đảo bé nhỏ mong manh trước sóng nước. Có mặt tại hai điểm xung yếu nhất của ĐBSCL là An Giang và Đồng Tháp, chúng tôi đã chứng kiến ý chí quyết tâm đối mặt với lũ dữ của con người nơi đây.
Gồng mình trên những tuyến đê
Ngay sau khi nhận được thông tin về những "điểm nóng" có nguy cơ vỡ đê của Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, chúng tôi tìm về xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành). Đường từ TP Long Xuyên về Vĩnh Hanh khoảng 25km, nước trắng đồng, mấp mé nền nhà dân. Vĩnh Hanh đã bị vỡ một vùng đê bao, xóa sổ 320ha lúa, 1.930ha khác đang bị lũ uy hiếp. Ngoài các lực lượng tại chỗ, Quân khu 9 đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ giúp địa phương gia cố đê. Đã nửa tháng nay, không khí lao động luôn rất khẩn trương. Nước nổi đến đâu, những bao cát được lấp đầy tới đấy.
Các chiến sĩ Sư đoàn 330 (Quân khu 9) giúp dân gia cố đê tại kênh Mương Đình (xã Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang). |
Tất tả chỉ đạo mọi người tập kết vật liệu xuống xuồng, anh Lê Văn Gởi (ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Hanh) cho biết: "Nhà tôi có 51 công lúa (tương đương 51.000m2) vừa bị lũ xóa sổ. Khoảng 100 triệu đồng đầu tư vào vụ thu đông này coi như mất trắng. Tiếc thì tiếc nhưng có cứu cho lúa sống lại được đâu, nên tôi dốc sức cùng bà con gia cố đê ở những điểm đang bị lũ uy hiếp. Anh em tôi vừa đóng xong bao cát tạo lối cho học sinh đi vào lớp khỏi bị ngập…". Nhiều ngày qua, ông Trương Công Tỉnh (ấp Vĩnh Thới, xã Vĩnh Hanh) luôn túc trực cùng bộ đội gia cố đê. Ông Tỉnh lo lắng: "Tôi có 20 công lúa, đầu tư khoảng 30 triệu đồng. Năm nay thời tiết không thuận nên phải gieo sạ tới 3 lần mới ổn. Lũ năm nay lớn chưa từng thấy, dân trong xã đã đóng góp hàng nghìn cây cừ tràm, bao tải và ngày công để hộ đê".
Trực tiếp chỉ huy gia cố đê tại kênh Mương Đình (xã Vĩnh Hanh) là Thiếu tá Lê Văn Chinh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 (QK 9). Anh Chinh cho biết, đơn vị vừa hoàn thành hộ đê ở Ô Long Vỹ (huyện Châu Phú, An Giang) và được điều khẩn cấp về đây bảo vệ hơn 1.930ha lúa. Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đã dầm mình trong nước lũ nhiều ngày qua. Người vận chuyển cát, người đóng cọc cừ, người chằng néo dây thép… làm việc từ mờ sáng đến xẩm tối, túc trực để xử lý sự cố. Để chống lạnh do phải ngâm mình trong nước lũ, nhiều chiến sĩ đã khoét bao tải dứa dùng thay cho áo khoác. Anh Lê Văn Giới kể: "Bộ đội mình kỷ luật lắm. Tôi nhắn mấy em vào nhà ăn cơm nhưng họ nói đã có chế độ nhà nước lo rồi. Bà con đành mang bánh trái đến bồi dưỡng cho anh em. Không có bộ đội thì chắc dân không đủ sức để chống chọi với lũ lớn". Tuyến đê Mương Đình nhiều ngày qua vẫn vững vàng, dù nước đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2000 và luôn mấp mé mặt đê.
Ở một điểm xung yếu khác của trung tâm vùng Đồng Tháp Mười là thị trấn (TT) Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), từ nửa tháng nay, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an huyện Tam Nông, bộ đội Quân khu 9, sinh viên ĐH Đồng Tháp đã sát cánh cùng người dân gồng mình chống lũ. Cánh đồng rộng 240ha ba bề là nước nên việc hộ đê khó khăn gấp bội. Gia cố đến đoạn cuối thì ở điểm đầu tuyến đê, nước lại dâng lên mấp mé. Cứ liên tục như vậy, họ làm việc không ngơi nghỉ và chẳng hề nao núng.
Anh Nam, Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng, TT Tràm Chim cho biết, lực lượng hộ đê phần lớn ăn nghỉ tại chỗ. Lương thực, nước uống do "hậu phương" chuyển đến. Tinh thần làm việc của sinh viên, bộ đội, công an cũng như người dân rất vững. Điều đáng mừng là lực lượng dân quân ở các huyện chưa bị lũ ảnh hưởng lớn cũng đã có mặt ở những điểm xung yếu của huyện Tam Nông để hợp lực chống lũ.
Không riêng hai tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp, các tỉnh hạ lưu ĐBSCL như Long An, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre… những ngày này cũng đang dốc sức chống lũ. Sau lũ, không chỉ dịch bệnh, người dân còn phải khắc phục, ổn định sản xuất, nhất là những vườn cây ăn trái có lẽ sẽ phải mất nhiều năm mới gây dựng lại được.
Mưu sinh mùa nước nổi
Lũ lớn không hẳn đã là thảm họa. Từ xa xưa, người dân ĐBSCL đã quen với cuộc sống mùa nước nổi. Nước lũ cũng mang theo về mùa bội thu nguồn thủy sản tự nhiên. Nhiều ngành nghề khác cũng phát triển theo như đan lưới, làm xuồng, chở đất thuê… Có đến ĐBSCL mới có thể hiểu tường tận thế nào là "sống chung với lũ".
Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, trung bình mỗi năm tỉnh này có giá trị tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng nhờ khai thác lợi thế do mùa nước nổi đem lại. Các làng nghề làm lưỡi câu ở Lai Vung (Đồng Tháp) thu nhập từ mùa lũ cũng tăng 40-50% so với những năm không có lũ. Đặc biệt là nghề làm ghe, xuồng ở các tỉnh đều phát triển mạnh hơn so với năm trước. Ngược lên vùng lũ Thanh Bình, Tam Nông, Cao Lãnh (Đồng Tháp), Chợ Mới, Tân Phú (An Giang), Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang)… nhiều sản vật mùa lũ được bày bán thu hút người mua. Bông súng, ngó sen bán với giá 5.000 - 10.000 đồng/bó, rau nhút 5.000 đồng/kg, bông điên điển 30.000 - 40.000 đồng/kg, rắn các loại 70.000 -120.000 đồng/kg... Tíu tít cân bông điên điển cho khách, chị Thơi (ở ấp 3 TT Tràm Chim, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) cho hay: "Bông điên điển đầu mùa có giá cao nên thu hút nhiều người đi hái. Các loại rau mùa lũ khác như sung, nhúc… năm nay cũng dồi dào. Có lẽ ông trời bù cho mấy năm trước không có lũ".
Lũ lớn cũng là thời điểm thuận lợi cho nghề đánh bắt cá. Trên kênh Mương Đình, chúng tôi gặp nhiều gia đình mang lưới đi bắt cá. Anh Châu Văn Hơn vui vẻ nói: "Năm nay cá về nhiều lắm. Mỗi ngày bắt được 60-80kg, bán khoảng 6.000-7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày em cũng bỏ túi khoảng 200 ngàn đồng". Buổi trưa hoặc chiều, đi dọc các tuyến đường liên xã ở Đồng Tháp Mười là quang cảnh nhộn nhịp buôn bán của những vựa buôn ốc đồng, rắn, cua, cá… mùa nước nổi. Những mặt hàng này sẽ theo các chuyến xe lên TP Hồ Chí Minh để xuất hiện trong các nhà hàng đặc sản.
Mùa nước nổi, ngoài khai thác thủy sản, người dân miền Tây còn có một nghề mưu sinh khác, đó là nghề chở đất thuê để san lấp nền nhà hoặc làm gạch ngói. Nghề này tuy vất vả nhưng bù lại mỗi người có thể kiếm được tới 300 nghìn đồng/ ngày. Ở xã Cần Đăng (huyện Châu Thành, An Giang), những cái tên anh Tốt, anh Tý, anh Tròn được biết đến từ nhiều năm nay. Hằng ngày, họ ngụp lặn trong dòng nước lũ cắt đất và chở từng xuồng đất thuê để kiếm tiền lo cho gia đình. Năm nào cũng vậy, khi mùa nước nổi tràn đồng, các anh bắt đầu nhận chở đất thuê, hễ ai có nhu cầu, gọi điện thoại là đến tận nơi phục vụ, thậm chí có lúc sang tận Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Phú, Tịnh Biên (An Giang) hoặc tìm tới các tỉnh bạn để chở thuê. Ngâm mình lâu trong nước nên ai cũng bị nước "ăn" khắp các kẽ tay, kẽ chân. Anh Tốt kể: "Đêm về ngứa ngáy khắp người, phải dùng phèn chua với lá gáo vàng mà bóp mới đỡ. Bình quân mỗi buổi sáng mỗi người chở từ 30-40 xuồng là hết sức".
Mùa lũ còn giúp người nông dân ĐBSCL thau chua, rửa mặn những cánh đồng ngập phèn. "Nước nổi, bà con dễ vệ sinh đồng ruộng, tận diệt được cỏ dại, lúa chét, rửa mặn, rửa phèn giảm thiểu được công lao động cũng như tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu" - anh Châu Văn Bo, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Tam Nông chia sẻ.
Lũ lớn rồi lũ sẽ rút, hứa hẹn những vụ mùa bội thu phía trước. Dường như đó là điều người dân ĐBSCL đang cảm nhận, bởi đó cũng là quy luật từ ngàn đời và đã được minh chứng qua nhiều thế hệ người Việt khai phá nên mảnh đất này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.