Hình thành từ sự bồi đắp của dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, xã Minh Châu nổi lên giữa lòng sông Hồng giáp với nơi giao thoa của 3 dòng sông huyền thoại.
Xã Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội) là xã vùng bãi bồi giữa sông Hồng, được thành lập từ năm 1955 với 3 thôn là Chu Chàng, Chu Châu và Liễu Châu. Sau đó do ngập lụt liên miên, Liễu Châu chuyển về thị trấn Tây Đằng.
Do đặc thù là một bãi bồi nằm giữa sông Hồng, đường vào Minh Châu chỉ có thể đi bằng thuyền, phà từ phía Đông (phà Chu Minh) và phía Tây (qua tràn Thủ Độ). Đây là xã đảo duy nhất của Hà Nội nằm gần ngã ba Bạch Hạc, nơi hợp lưu của sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Trong ảnh, người dân đi phà vào xã từ bến phà Chu Minh.
Xã đảo Minh Châu nằm trên bãi bồi rộng lớn giữa sông Hồng (Ảnh: Google Map).
Có thể gọi Minh Châu là một ốc đảo, bởi xung quanh thôn xóm được bao bọc bởi cánh đồng cỏ và các loại hoa màu xanh bát ngát. Không có nghề phụ, ba bề bốn bên đều là nước người dân chủ yếu làm nông và chăn nuôi. Đặc biệt nơi đây đang rất phát triển nuôi bò lấy sữa và thịt.
Cỏ được trồng để nuôi bò, giống cỏ voi (cỏ sữa) cao lút đầu người chỉ 3 tháng là cắt được, không mất nhiều công chăm sóc. Phần lớn người dân Minh Châu đều trồng cỏ, diện tích trồng cỏ lên đến 156ha, nông nghiệp chiếm đến 85,6% các ngành nghề khác.
Con đường chính vào xã qua đập tràn Thủ Độ, đoạn sông Hồng này được người dân gọi là kênh Đường. Trước đây vào mùa lũ từ tháng 5 đến tháng 9, Minh Châu bị cô lập hoàn toàn giữa bốn bề sông nước, vào xã hoàn toàn bằng thuyền. Ngày nay khi các đập thủy điện được xây dựng, nước sông cạn hơn, phần lớn thời gian trong năm có thể đi qua đập tràn bằng đường bộ.
Hiện tại, xã Minh Châu chỉ còn 2 thôn với diện tích tự nhiên 563,33ha, trong đó đất canh tác là 284,09ha. Dân số có 6.545 khẩu, sống ở 7 khu dân cư.
Chăn nuôi bò đang rất phát triển, số lượng bò gần 5.000 con, chiếm một nửa là bò sữa cho sản lượng hơn 20 tấn sữa/ngày.
Anh Nguyễn Danh Tuấn (ở khu 7, thôn Chu Châu) cho biết, hiện chăn nuôi 30 con bò sữa cho thu nhập khá hơn nhiều so với trước đây. Ngày làm việc bắt đầu từ 7h bằng việc đi cắt cỏ. Đến 16h vắt sữa rồi đi bán. Tuy nhiên, nuôi bò mất nhiều công lao động và rủi ro cao hơn.
Tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt 382,9 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 11,9% so với năm 2021. Trong đó, tổng diện tích đất gieo trồng là 269,03ha, thu nhập trong trồng trọt ước đạt 62,2 tỷ đồng.
Xã Minh Châu hiện không có trường THPT, hằng ngày khoảng 400 học sinh phải đi phà qua sông Hồng để đến trường học. Trong ảnh, học sinh xã Minh Châu đi học về từ bến phà Chu Minh.
Sau 70 năm thành lập, hệ thống nước sạch mới đến được với ít hộ gia đình. Trước đây, người Minh Châu hứng nước mưa để ăn uống, nước giếng khoan dùng trong sinh hoạt.
Phía Đông xã Minh Châu nhìn về bến phà Chu Minh bên kia sông Hồng.
Người già tại đây cho biết, phần lớn người xã Minh Châu ngày nay đều có gốc từ xã Chu Minh. Hàng chục năm trước, người Chu Minh bơi thuyền ra bãi (Minh Châu) trồng trọt, lâu dần dựng nhà, sinh sống phát triển thành cộng đồng. Ảnh từ trái sang: Bà Nguyễn Thị Thiềng 92 tuổi; bà Nguyễn Thị Tuyết 82 tuổi đều người gốc Chu Minh đang sống tại xã Minh Châu.
Một người dân đang chăm sóc hoa màu vào buổi chiều tại xã Minh Châu.
Hiện nhiều tuyến đường quanh xã được bê tông hóa. Trước đó các hộ dân chăn nuôi thường xả thải ra đường, đi tới đâu cũng có mùi xú uế. Nay các tuyến đường đã có thùng rác, cống có nắp giảm thiểu ô nhiễm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.