Tại đô thị, trong những đợt nắng nóng kéo dài, dễ thấy hiện tượng phổ biến là khi thấy đèn giao thông sáng lên màu đỏ, nhiều người tham gia giao thông sẽ tìm nơi có bóng mát để dừng xe.
Thâm chí không ít người đột ngột dừng lại giữa đường, mặc cho hành vi đó có thể gây khó khăn cho những phương tiện khác đang di chuyển.
Quan sát từ trên cao, có thể thấy rõ từng nhóm người đi xe đạp, xe máy... đứng túm tụm ở một góc, dưới bóng mát cây xanh, cách rất xa khu vực dừng chờ đèn tín hiệu, khiến những phương tiện khác, hoặc những người tuân thủ Luật Giao thông chẳng có lối mà đi lên đúng chỗ dành cho mình. Có người chẳng chờ nổi vài chục giây, len lỏi vượt đèn đỏ. Chỉ khổ những người đi đúng tín hiệu đèn giao thông phải tránh né, dừng xe để nhường đường cho những người vi phạm. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra khi người đi đúng luật bị người vượt đèn đỏ đâm phải...
Trên thực tế, hình thức đỗ xe “hóng mát” nói trên được coi là phạm luật. Tại điểm đ khoản 2 Điều 6 Nghị định 100 quy định, người dừng xe tại bóng râm cách vạch dừng bị coi là dừng đỗ xe trên đường, cản trở giao thông và sẽ bị xử lý hành chính với mức xử phạt từ 200 - 300 nghìn đồng.
Những điều nêu trên chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy việc xây dựng văn hóa giao thông cần được bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm.
Việc xử lý phạt nguội các chủ phương tiện vi phạm chủ yếu mới thực hiện được với ô tô, trong khi đó, với hành vi dừng đỗ không đúng nơi quy định, vượt đèn đỏ thì tỷ lệ người điều khiển xe gắn máy chiếm đa số.
Thêm vào đó, chúng ta cũng cần cải tiến phương pháp tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông bởi phần việc này hiện khá đơn điệu, nặng tính hình thức, lặp đi lặp lại các khẩu hiệu, các cuộc thi tìm hiểu, ký cam kết thực hiện mà không có biện pháp giám sát việc thực hiện cam kết ấy...
Dẫu biết xây dựng văn hóa giao thông không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều, nhưng chúng ta có thể thực hiện ngay nền móng cho ngôi nhà văn hóa giao thông ấy bằng việc thay đổi nhận thức và hành vi, từ những điều nhỏ nhất. Văn hóa giao thông không chỉ là hiểu biết và thực hiện đúng luật, mà còn là sự tôn trọng, nhường nhịn, ứng xử văn minh, lịch thiệp khi đi đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.