Theo dõi Báo Hànộimới trên

Somalia: Trong không ấm, ngoài cũng chẳng êm

Trung Hiếu| 24/05/2010 06:56

(HNM) - Somalia đã rơi vào cuộc khủng hoảng thực sự. Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội nước này vào tuần trước đã không cải thiện được hình ảnh của Chính phủ Somalia.

Bạo lực đang ngày càng gia tăng tại thủ đô Mogadishu.


Thực tế, sự từ chức nêu trên chỉ là hình thức, bởi trong một phiên họp Quốc hội Somalia trước đó, ông Madobe đã để cuộc họp rơi vào tình trạng hỗn loạn khi các nghị sĩ chỉ trích lẫn nhau. Sau đó, khoảng 320 nghị sĩ đã đạt được thỏa thuận phế truất Chủ tịch Quốc hội Madobe; đồng thời bầu nghị sĩ Haji Shukri Sharif Ahmed làm Chủ tịch Quốc hội lâm thời.

Tổng thống Somalia Sharif Ahmed tuyên bố sẽ sớm chỉ định thủ tướng mới. Người đứng đầu phái bộ của Liên hợp quốc tại quốc gia vùng Sừng châu Phi này đã lên tiếng ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Sharif Ahmed thành lập nội các mới và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở quốc gia châu Phi này khiến cộng đồng quốc tế khó có thể hy vọng về một sự ổn định ở Somalia trong tương lai gần.

Sự hỗn loạn đã bao trùm khắp đất nước này. Chính quyền đã không thể kiểm soát nổi tình hình. 5.000 lính thực hiện sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi (AU) cũng đã không thể kiểm soát được tình trạng an ninh và chỉ duy trì được một vài trụ sở chiến lược quan trọng tại thủ đô Mogadishu. Vụ phiến quân Hồi giáo cực đoan nã súng cối hạng nặng vào tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Mogadishu, nơi các nghị sĩ nước này đang nhóm họp, ngày 16-5 vừa qua đã cho thấy sự hỗn loạn đến thế nào ở Somalia. Cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 thập kỷ qua đã khiến Somalia không còn là một quốc gia thống nhất. Đất nước rơi vào tình trạng vô chính phủ và nhanh chóng phân chia thành nhiều vùng khác nhau.

Một vấn đề nổi cộm là nạn cướp biển Somalia đang gia tăng nhanh chóng tại vịnh Aden, bất chấp các cường quốc tăng cường tuần tra quân sự tại đây. Các hoạt động tấn công và bắt cóc tàu thuyền của các nhóm cướp biển Somalia đã và đang gây thiệt hại lớn về kinh tế trên tuyến hàng hải thương mại quan trọng này. Theo con số thống kê, cướp biển đã tiến hành gần 220 vụ tấn công bắt giữ các tàu thuyền quốc tế qua lại vùng biển Somalia trong năm 2009, tăng gấp đôi so với năm 2008.

Cộng đồng quốc tế đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn nạn cướp biển đang hoành hành nghiêm trọng tại vùng biển ngoài khơi Somalia. Các biện pháp mới gồm thành lập lực lượng hải quân quốc tế để tuần tra và hộ tống các tàu thuyền qua lại vùng biển này; tăng cường phối hợp quốc tế trong việc trấn áp và xét xử các tội phạm cướp biển; viện trợ phương tiện khí tài và huấn luyện lực lượng quân đội của chính quyền Somalia trong cuộc chiến chống cướp biển. Thậm chí, Nga đã tuyên bố sẽ có căn cứ chống hải tặc tại châu Phi.

Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ đó. Cái gốc vẫn là sự ổn định tại Somalia; thế nhưng, điều ấy thật không dễ dàng với quốc gia đang bị chia rẽ này.

Thep AFP, phiến quân Shebab của Somalia do Al-Qaeda hậu thuẫn đêm 22-5 đã tấn công Phủ Tổng thống ở thủ đô Magadishu trong lúc Tổng thống Sharif Sheikh Ahmed đang tham dự Hội nghị Liên hợp quốc về Somalia ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa khai mạc cùng ngày. Vụ tấn công đã làm ít nhất 14 thường dân thiệt mạng.

Tin tức từ vùng chiến sự cho biết số người thiệt mạng có thể còn cao hơn vì người ta nghe thấy tiếng súng cối nổ tại nhiều địa điểm khác ở Mogadishu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Somalia: Trong không ấm, ngoài cũng chẳng êm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.