(HNM) - Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn; được chú trọng đầu tư; không ngừng tăng trưởng và thời gian qua đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nhận thức rõ về vị trí, vai trò của ngành Du lịch, những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, tăng cường đầu tư... nhằm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhờ đó, ngành Du lịch Thủ đô đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân...
Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, ngành Du lịch Thủ đô đã có sự bứt phá, trở thành điểm sáng của cả nước. Hà Nội được các tổ chức du lịch quốc tế uy tín đánh giá, bình chọn nằm trong tốp các điểm đến hấp dẫn trong khu vực và thế giới…
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình phát triển của du lịch của Hà Nội cũng tồn tại không ít khó khăn, bất cập. Đặc biệt, qua đại dịch Covid-19, du lịch Thủ đô suy giảm và đã bộc lộ nhiều điểm yếu, đòi hỏi phải sớm thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu không hành động quyết liệt, sáng suốt và kịp thời, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tụt hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố. Trước mắt, ngành Du lịch Thủ đô cần thực hiện tốt Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời hóa giải những thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, coi những khó khăn hiện tại là khoảng thời gian cần thiết để ngành Du lịch Thủ đô nhìn nhận lại quá trình phát triển, khắc phục những bất cập, điểm yếu để chuẩn bị cho một giai đoạn mới…
Về lâu dài, để du lịch phát triển bền vững, ngành Du lịch Thủ đô cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thu hút khách nội địa và quốc tế, trong đó cần chú trọng giới thiệu hình ảnh Thủ đô “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” trên các kênh truyền thông quốc tế; đồng thời triển khai các giải pháp thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội, triển khai các dự án phát triển du lịch trên địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động, sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó là chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển từng thời kỳ, từng địa phương…
Về phần mình, các doanh nghiệp lữ hành, ngoài việc tiếp tục thực hiện các chương trình quảng bá, khuyến mãi, cũng cần xây dựng các sản phẩm du lịch mới để cung cấp cho du khách nhiều lựa chọn. Việc tạo ra sản phẩm du lịch mới không chỉ dựa trên những điều kiện, tiềm năng sẵn có của Hà Nội, mà cần tìm ra xu hướng du lịch mới phù hợp tâm lý, sở thích của du khách. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng các hình thức liên kết kích cầu như: Liên kết để giảm giá vé máy bay, ô tô, tham quan, lưu trú...
Với những giải pháp mạnh mẽ và đột phá của thành phố cùng sự cố gắng, nỗ lực và sáng tạo của doanh nghiệp lữ hành, tin tưởng rằng du lịch Hà Nội sẽ sớm có sự phục hồi, bứt phá, tiếp tục trở thành điểm sáng của cả nước và sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.