(HNM) - Tại nhiều nút giao thông trên địa bàn Thủ đô hiện được bố trí rất nhiều camera giám sát, thậm chí có những nút bố trí tới hàng chục chiếc.
Tại các nút giao này, ngoài camera của lực lượng Cảnh sát giao thông còn có camera của các đơn vị khác như Công an quận, Cục Cảnh sát bảo vệ phục vụ an ninh, dẫn đoàn. Ngoài ra, một số lượng camera không nhỏ tại Hà Nội là do kênh VOV giao thông thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam đầu tư.
Hệ thống camera này gồm nhiều chủng loại. Có loại chỉ có chức năng quan sát, có loại có chức năng đếm được lưu lượng xe và một số loại có chức năng ghi nhận và xử phạt vi phạm giao thông (phạt nguội).
Lắp đặt nhiều camera như vậy, song hiệu quả thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Camera do cơ quan nào đầu tư thì chủ yếu phục vụ cho mục đích công việc của cơ quan đó và không phải hình ảnh ghi nhận được từ camera nào cũng có thể đem ra để “phạt nguội” các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Bởi vậy mới có chuyện, dù nút giao thông Mai Dịch và phía trước cổng Bến xe Mỹ Đình hay trước cổng một số bệnh viện, trường học bố trí rất nhiều camera, nhưng nhiều xe khách, taxi vẫn ngang nhiên chạy “rùa bò”, dừng đỗ đón trả khách. Còn camera không tham gia được gì vào chấn chỉnh những hành vi sai phạm luật giao thông này!
Không ít ý kiến cho rằng, tại nhiều nước trên thế giới, chỉ một cơ quan quản lý có thẩm quyền lắp camera giám sát giao thông, qua đó sẽ thống nhất trong cách vận hành, sử dụng. Để khắc phục những bất cập hiện nay, cấp có thẩm quyền cần sớm xây dựng được quy chuẩn cơ bản và hợp nhất hệ thống camera xử lý hình ảnh vi phạm trong lĩnh vực giao thông.
Các cơ quan liên quan phối hợp đầu tư, tích hợp tính năng của các camera giao thông. Việc tích hợp tính năng này vẫn giúp bảo đảm hiệu quả công việc cụ thể của từng cơ quan, qua đó sẽ tiết kiệm được chi phí do không phải lắp nhiều camera tại cùng một chỗ như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.