Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm tháo gỡ những bất cập

Bảo Nga - Thùy Ngân| 01/04/2017 08:14

(HNM) - Thực tế triển khai cũng phát sinh một số vấn đề cần sớm được các cấp chính quyền có giải pháp tháo gỡ, tạo thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng phát sinh một số vấn đề cần sớm được các cấp chính quyền có giải pháp tháo gỡ, tạo thuận lợi cho người dân; ngược lại, người dân cũng cần tiếp tục tạo điều kiện để triển khai tốt nhất chủ trương của thành phố.


Các hộ kinh doanh tại phố Nguyễn Lương Bằng chủ động dỡ bỏ phần công trình lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Bùi Việt


Kết quả rõ nét, bất cập vẫn còn

Quận Đống Đa là một trong những địa phương làm sớm và tích cực công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn. Hằng ngày, ba tổ công tác liên ngành cấp quận kết hợp với chính quyền cơ sở triển khai từ đầu giờ sáng đến 21h, với phương pháp xử lý vi phạm trên 3 tuyến phố nối tiếp nhau. Tuy nhiên, quá trình xử lý vi phạm ở quận cho thấy, với thực trạng hè phố không theo quy chuẩn nhất định, chiều rộng vỉa hè và cao độ hè đường mỗi tuyến phố khác nhau dẫn đến nhận thức sự việc, tâm tư nguyện vọng của người dân mỗi nơi một khác.

Điển hình như phố Xã Đàn (phường Phương Liên), vốn trước đây những ngôi nhà nằm trên khu vực đê La Thành, khi xây dựng bám theo cốt thân đê nên "cốt" nền cao, phải làm từ 3 đến 5 bậc mới vào được nhà. Thực hiện chủ trương dỡ bục bệ vi phạm, có nhà phải phá đến 3 bậc đã gây ra khó khăn trong đi lại. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, bên cạnh những căn nhà đã trát vá lại phần phá dỡ, vẫn còn những căn nhà lởm chởm gạch đá vì người dân chưa biết sửa chữa thế nào cho hợp lý. Giải pháp tình thế của người dân là kê bao cát, thanh bê tông hay thùng nhựa cứng, bệ gỗ, bậc thang bằng sắt... làm bậc lên xuống tạm thời. Vô hình trung việc này lại khiến cảnh quan vỉa hè chưa được đẹp mắt.

Một thanh niên đang lắp đặt 2 bậc thang bằng sắt dài chừng 3m làm bậc lên xuống tại cửa quán karaoke số 442 Xã Đàn cho biết, được chủ quán thuê làm tạm để khách đi lại và cũng tiện thu dọn khi lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở. Thực tế này cho thấy, dường như người dân chưa ý thức về việc đặt các vật dụng này trên vỉa hè là hành vi “tái lấn chiếm” và làm xấu cảnh quan đô thị.

Bên cạnh đó, người dân còn bị ảnh hưởng bởi vỉa hè nơi rộng, nơi hẹp. Ví dụ tại tuyến phố Khâm Thiên hiện đã cơ bản dọn dẹp bục bệ và kẻ vạch sơn sắp xếp để xe. Nhưng phía vỉa hè bên dãy số lẻ rộng hơn 3m được để xe theo hàng lối trong vạch sơn, trong khi vỉa hè bên số chẵn nhỏ hơn 3m không được kẻ vạch sơn, người dân phải xếp xe thành hàng ngang sát cửa nhà. Thêm nữa, do mặt tiền một số gia đình rất nhỏ nên việc đi lại và kinh doanh gặp khó khăn, phương tiện để không hàng lối rất lộn xộn.

Thực hiện kiên trì, không nóng vội

Một tuần sau khi lực lượng chức năng phá dỡ phần bục bệ, cầu dẫn vi phạm dọc tuyến phố Xã Đàn, phần vỉa hè từ số nhà 158 đến 230 vẫn trong cảnh ngổn ngang gạch đá do các hộ dân chưa biết sửa chữa thế nào cho “đúng chuẩn”. Tại cửa hàng Hàng tiêu dùng Thái Lan (phố Xã Đàn), sau khi bậc tam cấp bị dỡ, chủ cửa hàng phải dùng mảng bê tông nham nhở kê tạm. Anh V. chủ cửa hàng này cho biết, kể từ khi bậc lên xuống bị dỡ, lượng khách đến cửa hàng giảm, song hoàn toàn ủng hộ chủ trương của phường về giải tỏa vỉa hè dành cho người đi bộ. “Chúng tôi băn khoăn là làm lại theo chuẩn như thế nào để không bị phá dỡ lần nữa?”, anh V. bày tỏ băn khoăn.

Khác với anh V., chỉ một ngày sau khi chính quyền phường Ô Chợ Dừa tiến hành phá dỡ bục bệ, cầu dẫn trên các tuyến, các hộ dân nằm sát trụ sở Công an phường đã nhanh chóng thu dọn phế thải vật liệu xây dựng, tổ chức trát lại phần hè, cửa nhà rất gọn gàng. Tuy nhiên, tiếp xúc với PV Báo Hànộimới, một số hộ dân mong muốn chính quyền và cơ quan chức năng có hướng dẫn việc chỉnh sửa phần đã phá dỡ để bảo đảm mỹ quan và ngăn chặn được tái phạm.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liên cho biết: Sau khi được tuyên truyền, vận động, người dân đã nghiêm túc chấp hành thu gọn bục bệ, cầu dẫn nhưng có nhiều gia đình thực sự gặp khó khăn khi lên xuống. Tại các văn bản báo cáo của Ban Chỉ đạo 197 phường Phương Liên đã đề cập thực tế này với quận và xin ý kiến chỉ đạo. Khi có hướng dẫn cụ thể về cách sửa chữa, cải tạo, phường sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân hoàn thiện lối lên xuống.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II của UBND TP Hà Nội diễn ra ngày 30-3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội thời gian qua cho thấy một số đơn vị chưa tuyên truyền, chưa khảo sát kỹ đã thực hiện phá dỡ các hạng mục vi phạm, thể hiện sự nóng vội. Để việc thực hiện Kế hoạch bảo đảm tính bền vững, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã sẽ chịu trách nhiệm nếu để tái lấn chiếm vỉa hè, đồng thời tăng cường quản lý các điểm trông giữ xe. Đặc biệt, các quận, huyện cần kiên trì vận động người dân, mời trực tiếp chủ hộ ký cam kết, đi liền với đẩy mạnh kiểm tra, nhắc nhờ, đưa kết quả chấp hành vào tiêu chuẩn xếp loại "Gia đình văn hóa"...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm tháo gỡ những bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.