(HNMO) - Ngày 9-8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. |
Theo báo cáo tóm tắt việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày, giai đoạn 2011-2016 đã có 319 hiệp định vay vốn nước ngoài được ký kết, với tổng giá trị đạt khoảng 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với thời kỳ 2006-2010. Trong đó, vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đạt 32,296 tỷ USD, chiếm khoảng 96% và ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,346 tỷ USD, chiếm khoảng 4%. Bình quân trong giai đoạn 2011-2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho thấy vai trò quan trọng của nguồn lực vay ODA và ưu đãi nước ngoài.
Thảo luận về nội dung này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, nguồn vốn ODA giúp thay đổi đời sống xã hội ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, trước những tồn tại, hạn chế trong phân bổ, sử dụng vốn và cân đối nguồn lực trả nợ, chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp…; đại biểu đặt ra các câu hỏi: Các vấn đề hạn chế, tồn tại đã nhìn thấy rõ, nhưng trách nhiệm thuộc về ai? Do thủ tục, do con người hay do cơ chế?
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận và cơ bản đồng tình với đánh giá của Đoàn giám sát. Khẳng định có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan dẫn đến các tồn tại, hạn chế, song đồng chí nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. “Do nhận thức, do năng lực quản lý, do cố ý làm trái và do xử lý chưa nghiêm” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng tại một số địa phương, đồng thời, đề nghị cần khắc phục được hạn chế trong khâu quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài. Các cơ quan hữu quan cần tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết giám sát, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội ban hành.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland cho Chương trình 135; cho ý kiến về việc điều chỉnh nội bộ dự toán chi ngân sách nhà nước đã giao trong năm 2017 để bổ sung dự toán chi năm 2018 của Bộ Tài chính (chuyển từ Tổng cục Thuế sang Tổng cục Hải quan); cho ý kiến về việc giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của bộ, ngành giai đoạn 2016-2020 và xử lý vướng mắc đối với thủ tục đầu tư dự án A sử dụng ngân sách TP Hồ Chí Minh theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14; cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.